PGS. TS. BS. Nguyễn Xuân Hậu – Thạc sĩ. Bác sĩ nội trú. Nguyễn Xuân Hiền
Trung tâm Ung Bướu – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Cà phê là một trong những thức uống được tiêu thụ rộng rãi nhất trên toàn thế giới, được yêu thích nhờ công dụng giúp tỉnh táo và hương vị phong phú. Chính vì sự phổ biến này nên lợi ích và rủi ro về sức khỏe của cà phê đã là chủ đề của nhiều nghiên cứu.[1] Trong bối cảnh đó, ảnh hưởng tiềm tàng của cà phê đối với nguy cơ ung thư tuyến giáp cũng là một chủ đề ngày càng được quan tâm. Bài viết này nhằm mục đích cung cấp thêm các thông tin về hiểu biết hiện tại liên quan đến mối quan hệ giữa việc sử dụng cà phê và nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp là gì?
Ung thư tuyến giáp bắt nguồn từ tuyến giáp – một tuyến nội tiết nằm ở vùng cổ. Tuyến giáp sản xuất hormone điều chỉnh quá trình trao đổi chất, tăng trưởng và phát triển. Có nhiều loại ung thư tuyến giáp, phổ biến nhất là ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang. Các loại ít phổ biến hơn bao gồm ung thư tuyến giáp thể tủy và thể không biệt hóa.
Cà phê và một số lợi ích sức khoẻ tiềm năng
Cà phê chứa nhiều hợp chất có tác dụng sinh học đặc biệt, có thể kể đến như caffeine là một chất kích thích ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, các chất chống oxy hóa như acid chlorogenic, có thể giảm stress oxy hóa và viêm. Các nghiên cứu gần đây cũng đề cập đến vai trò của một số các diterpenes tự nhiên có trong cà phê như cafestol và kahweol, có thể có tác dụng ức chế ở nhiều giai đoạn phát triển ung thư, bao gồm ngăn chặn sự khởi đầu của khối u, ức chế sự tăng sinh tế bào khối u và di căn khối u. Dựa trên tác dụng có lợi của những chất này, nhiều nghiên cứu khám phá lợi ích tiềm năng của cà phê. Các chất chống oxy hóa trong cà phê có thể giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do các gốc tự do gây ra giúp giảm nguy cơ ung thư. Ngoài ra các thành phần của cà phê đã được chứng minh là giảm viêm, liên quan đến sự phát triển của nhiều bệnh mạn tính, bao gồm cả ung thư. Caffeine có trong cà phê cũng giúp tăng cường quá trình trao đổi chất và tăng cường đốt cháy mỡ, có thể ảnh hưởng gián tiếp đến nguy cơ ung thư thông qua tác động lên cân nặng và độ nhạy insulin. [2]
Cà phê và Ung thư Tuyến giáp: Góc nhìn từ các nghiên cứu khoa học?
Nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc tiêu thụ cà phê và nguy cơ ung thư tuyến giáp đã đưa ra nhiều kết quả khác nhau. Một số nghiên cứu cho rằng việc tiêu thụ cà phê có thể liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp. Một phân tích tổng hợp năm 2020 từ 10 nghiên cứu với 379.825 người tham gia đã phát hiện rằng việc tiêu thụ cà phê ở mức độ vừa phải liên quan đến nguy cơ ung thư tuyến giáp thấp hơn. Nghiên cứu này cũng chỉ ra mối liên quan giữa lượng cà phê tiêu thụ và mức độ đáp ứng, cụ thể nguy cơ xuất hiện ung thư tuyến giáp sẽ giảm mỗi 5% tương ứng với việc tiêu thụ cà phê tăng thêm mỗi một cốc/ngày. [3]
Tuy nhiên các nghiên cứu khác lại không tìm thấy mối liên hệ đáng kể giữa việc uống cà phê và nguy cơ ung thư tuyến giáp, cho rằng việc tiêu thụ cà phê không làm tăng hay giảm nguy cơ. Một nghiên cứu phân tích gộp khác từ 1039 trường hợp ung thư tuyến giáp và 220.816 trường hợp đối chứng được xác định từ 5 nghiên cứu bệnh chứng và 2 nghiên cứu đoàn hệ đã chỉ ra không có mối liên quan đáng kể nào giữa việc tiêu thụ cà phê và nguy cơ ung thư tuyến giáp. [4] Điều này có thể lí giải do mối quan hệ giữa cà phê và nguy cơ ung thư tuyến giáp có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nhiễu như hút thuốc, uống rượu và chế độ ăn uống tổng thể.
Một câu hỏi khác: liệu cà phê có ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp của bạn không? Câu hỏi này đã được giải đáp tương đối đầy đủ nhờ một nghiên cứu đoàn hệ trên hơn 30.000 tình nguyện viên theo dõi trong 5 năm. Kết quả của nghiên cứu cho thấy uống <2 cốc cà phê mỗi ngày giúp giảm nguy cơ suy giáp dưới lâm sàng và uống 2-4 cốc cà phê làm giảm nồng độ TSH huyết thanh. Ngoài ra, sử dụng cà phê không liên quan đến nguy cơ cường giáp và suy giáp hay ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. [5]
Khuyến nghị
Mặc dù các bằng chứng khoa học còn chưa thực sự rõ ràng, tuy nhiên đa số các nghiên cứu đều không cho thấy cà phê làm tăng nguy cơ hay có ảnh hưởng xấu đến bệnh lý ung thư tuyến giáp. Việc sử dụng cà phê vẫn đem lại những lợi ích về mặt tinh thần và là sở thích của nhiều người, vì vậy hãy tham khảo một số lời khuyên sau đây để có thể giúp bạn đưa ra quyết định thông minh về việc sử dụng cà phê:
- Sử dụng cà phê vừa phải: Việc tiêu thụ cà phê ở mức độ vừa phải (3-4 tách mỗi ngày) thường được coi là an toàn đối với hầu hết mọi người và có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe mà không ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ ung thư tuyến giáp cũng như tình trạng sức khoẻ tổng quát.
- Thực hiện lối sống lành mạnh: Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, tham gia hoạt động thể chất đều đặn và tránh các yếu tố nguy cơ đã biết đối với ung thư tuyến giáp (như tiếp xúc với tia xạ, …) là điều quan trọng để phòng ngừa ung thư tuyến giáp.
- Khám sức khoẻ định kỳ: Duy trì một lịch kiểm tra sức khoẻ định kỳ là phương pháp giúp theo dõi tình trạng sức khoẻ bản thân và phát hiện sớm các bệnh lý, bao gồm ung thư tuyến giáp.
- Luôn lắng nghe ý kiến từ chuyên gia: Như đã nhiều lần nhấn mạnh, các vấn đề sức khoẻ luôn hướng tới tính cá nhân hoá. Khi bạn có những vấn đề sức khỏe cụ thể hoặc lo ngại về ung thư tuyến giáp, bạn nên tham khảo ý kiến các bác sĩ chuyên khoa ung thư, nội tiết, dinh dưỡng để có những lời khuyên cá nhân hóa, cụ thể và chính xác nhất về việc tiêu thụ cà phê và các yếu tố lối sống khác.
Kết luận
Mối quan hệ giữa việc sử dụng cà phê và nguy cơ ung thư tuyến giáp vẫn là một lĩnh vực nghiên cứu đang được quan tâm với nhiều kết quả khác nhau. Mặc dù việc tiêu thụ cà phê ở mức độ vừa phải dường như an toàn và có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe, điều quan trọng là bạn phải luôn duy trì một lối sống tổng thể lành mạnh và theo dõi sát tình trạng sức khỏe cá nhân. Thảo luận và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia y tế là chìa khoá vàng để đưa ra những lựa chọn thông minh về sức khỏe.
Tài liệu tham khảo
- Poole R., Kennedy O.J., Roderick P., Fallowfield J.A., Hayes P.C., Parkes J. Coffee consumption and health: Umbrella review of meta-analyses of multiple health outcomes. BMJ (Clin. Res. Ed.) 2017;359:j5024. doi: 10.1136/bmj.j5024.
- Ren Y, Wang C, Xu J, Wang S. Cafestol and Kahweol: A Review on Their Bioactivities and Pharmacological Properties. Int J Mol Sci. 2019 Aug 30;20(17):4238. doi: 10.3390/ijms20174238. PMID: 31480213; PMCID: PMC6747192.
- Shao CC, Luo D, Pang GD, Xiao J, Yang XR, Zhang Y, Jia HY. A dose-response meta-analysis of coffee consumption and thyroid cancer occurrence. Int J Food Sci Nutr. 2020 Mar;71(2):176-185. doi: 10.1080/09637486.2019.1646712. Epub 2019 Jul 31. PMID: 31364891.
- Liu, Y., & Zhao, Y. (2020). Coffee consumption and the risk of thyroid cancer: A meta-analysis of observational studies. Nutrition and Cancer, 72(2), 180-188.
- Zhao G, Wang Z, Ji J, Cui R. Effect of coffee consumption on thyroid function: NHANES 2007-2012 and Mendelian randomization. Front Endocrinol (Lausanne). 2023 Jun 7;14:1188547. doi: 10.3389/fendo.2023.1188547. PMID: 37351106; PMCID: PMC10282749.