Bệnh tuyến giáp và COVID-19

TS. BS. Nguyễn Xuân HậuThs. BS. Nguyễn Xuân Hiền

Trước tình trạng số người mắc COVID-19 đang ngày càng gia tăng, trong đó có cả những bệnh nhân mắc bệnh lý tuyến giáp. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi về mối liên hệ giữa bệnh tuyến giáp và COVID-19. Dưới đây là các câu hỏi thường gặp

Untitled 1

Trì hoãn chọc hút tế bào tuyến giáp có an toàn hay không?

     Hầu hết nhân tuyến giáp lành tính, tuy nhiên những nhân tuyến giáp nghi ngờ ung thư trên siêu âm cần thiết chọc hút tế bào để chẩn đoán. Ngay cả khi nhân tuyến giáp được xác định là ung thư, việc trì hoãn tạm thời phẫu thuật do COVID-19 cũng không làm thay đổi về giai đoạn bệnh. Do đó, việc trì hoãn chọc hút tế bào nhân tuyến giáp nhìn chung an toàn, trừ những trường hợp ung thư tuyến giáp giai đoạn muộn, di căn hạch cổ nhiều hoặc gợi ý các thể ung thư tuyến giáp tiên lượng xấu khác như ung thư tuyến giáp thể bất thục sản, ung thư tuyến giáp thể kém biệt hoá.

Bệnh nhân ung thư tuyến giáp có nguy cơ cao mắc COVID-19 hay không?

     Theo CDC Hoa Kỳ, những người đang điều trị bệnh ung thư nên được xem như là những người suy giảm miễn dịch.

     Tuy nhiên, không như những loại ung thư khác, phần lớn ung thư tuyến giáp không cần điều trị hoá chất và các loại điều trị khác như xạ trị, điều trị đích – những phương pháp điều trị có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và gây suy giảm miễn dịch của cơ thể. Việc ung thư tuyến giáp đã được chẩn đoán trước đó và đang bổ sung thuốc hormone tuyến giáp không được coi là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc virus COVID-19 hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh do mắc virus COVID-19.

     Đối với một số thể ung thư tuyến giáp cần điều trị bằng các thuốc hoá chất, nên được xem như nhóm bệnh nhân nhạy cảm và dễ bị nặng thêm tình trạng bệnh do virus COVID-19.

Trì hoãn phẫu thuật tuyến giáp do COVID-19 có an toàn hay không?

     Phẫu thuật thông thường là phương pháp điều trị đầu tiên áp dụng cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Nhiều bệnh nhân đã bị trì hoãn cuộc phẫu thuật bởi đại dịch COVID-19, điều này làm tăng sự lo lắng của bệnh nhân về việc phẫu thuật.

     Mặc dù phẫu thuật là cần thiết, tuy nhiên phần lớn ung thư tuyến giáp phát triển chậm, và việc thay đổi giai đoạn bệnh ung thư tuyến giáp sau một vài tháng phẫu thuật là rất hiếm, ngay cả khi ung thư tuyến giáp đã di căn hạch cổ.

     Tuy nhiên, phẫu thuật nên được tiến hành ngay đối với những trường hợp

  • Ung thư tuyến giáp gây khó thở
  • Ung thư tuyến giáp gây nuốt vướng
  • Ung thư tuyến giáp xâm lấn cấu trúc xung quanh
  • Ung thư tuyến giáp thể tiến triển nhanh: Ung thư tuyến giáp thể kém biệt hoá, thể bất thục sản, thể tuỷ.

Trì hoãn Iod phóng xạ (RAI) sau phẫu thuật tuyến giáp có an toàn hay không?

     Điều trị Iod phóng xạ thường được áp dụng sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ trong ung thư tuyến giáp. Việc điều trị RAI cũng thường bị ảnh hưởng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, gây ra lo lắng cho bệnh nhân về chậm thời gian điều trị.

     RAI thường được sử dụng để loại bỏ những mô giáp còn sót lại sau phẫu thuật. Tuy nhiên, việc trì hoãn 6 tháng hoặc hơn không gây ra những tác động tiêu cực đến kết quả điều trị. Do đó, việc trì hoãn tạm thời điều trị RAI do đại dịch khó có thể làm giảm hiệu quả của việc điều trị RAI.

     Nhìn chung, điều trị RAI cấp thiết cho những trường hợp ung thư tuyến giáp thể nhú, hoặc thể nang có di căn xa đến phổi hoặc cơ quan khác trong cơ thể, đặc biệt khi tổn thương di căn tăng kích thước. Do đó, nên trao đổi kỹ với bác sĩ chuyên khoa để cân bằng lợi ích giữa việc trì hoãn điều trị do COVID-19 hay điều trị sớm.

Tình trạng thiếu hụt thuốc Levothyroxine do giãn cách xã hội?

     Levothyroxine là một trong những thuốc tuyến giáp được sử dụng nhiều nhất, và có nhiều loại thuốc trên thị trường như Belthyrox, Levothyrox, … với các hàm lượng khác nhau. Thuốc được sử dụng phổ biến ở bệnh nhân suy giáp hoặc sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Do đây là thuốc thiết yếu và vô cùng cần thiết, bệnh nhân nên dự trữ lượng thuốc Levothyroxine tại nhà để hạn chế tình trạng thiếu hụt hormone.

Bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp tự miễn (Viêm tuyến giáp Hashimoto, Basedow) có nguy cơ cao mắc COVID-19 hoặc nếu mắc COVID-19 thì có bị bệnh nặng hơn người bình thường hay không?

     Theo CDC Hoa Kỳ, những bệnh nhân suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nặng nề hơn. Bệnh nhân suy giảm miễn dịch có hệ miễn dịch yếu hơn, do đó phản ứng lại tác nhân gây bệnh yếu hơn. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch khá phức tạp, và mắc bệnh tuyến giáp tự miễn không có nghĩa là hệ thống miễn dịch của người đó bị suy giảm hoặc không thể chống lại tác nhân gây bệnh như virus COVID-19, hoặc virus khác.

     Cho đến nay, chưa có bằng chứng khoa học nào chỉ ra việc bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp tự miễn có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn hoặc mắc bệnh COVID-19 nặng hơn so với bệnh nhân khác.

Sự khác biệt giữa triệu chứng COVID-19 và tác dụng phụ của Methimazole trong điều trị cường giáp?

     Nhiều bệnh nhân Basedow và các nguyên nhân gây cường giáp khác đã được điều trị hiệu quả bằng thuốc methimazole hoặc các thuốc khác như Propylthiouracil (PTU). Một trong các tác dụng phụ quan trọng của các thuốc này là giảm bạch cầu hạt, khiến giảm sút số lượng các tế bào miễn dịch của cơ thể – các tế bào chống lại tác nhân vi khuẩn, virus xâm nhập. Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt hoặc đau rát họng. Nếu những triệu chứng này xuất hiện, bệnh nhân thường dừng thuốc methimazole và cần thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa.

     Các triệu chứng như sốt hoặc đau rát họng có thể trùng lặp với các triệu chứng của nhiễm COVID-19. Do đó, bệnh nhân đang sử dụng thuốc như Methimazole cũng nên lưu ý tới các triệu chứng kể trên, và nên cách ly y tế cho đến khi được chẩn đoán rõ nguyên nhân của các triệu chứng sốt, đau rát họng do tác dụng phụ của thuốc hay do nhiễm COVID-19.

     Lưu ý: Sốt hạ bạch cầu hạt có thể biểu hiện bởi tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, do đó không nên bỏ qua triệu chứng này. Hạ bạch cầu hạt thường hiếm xảy ra ở những bệnh nhân sử dụng Methimazole lâu dài hoặc sử dụng thuốc với liều thấp (VD: 15mg/ ngày). Nếu sốt hoặc những triệu chứng khác của nhiễm khuẩn xuất hiện khi bắt đầu sử dụng Methimazole, tốt nhất bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám.

Methimazole có thể sử dụng cho bệnh nhân nặng hay không?

     Methimazole đa phần là thuốc đường uống và việc dừng thuốc này có thể làm nghiêm trọng thêm tình trạng cường giáp. Ở những bệnh nhân đường thở bị tổn thương do virus COVID-19, đặc biệt khi phải sử dụng máy thở, bệnh nhân không thể uống thuốc bằng đường miệng. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần sử dụng các thuốc kháng giáp trạng, khi đó đường dùng khác của methimazole có thể được sử dụng: ví dụ thuốc có thể được bơm qua ống sonde dạ dày.

     Nếu bệnh nhân không thể hấp thụ thuốc qua dạ dày, có thể sử dụng thuốc theo đường tiêm:

  • Đường tiêm methimazole
  • PTU đường tiêm (ít được nghiên cứu)

     Một số dạng thuốc kháng giáp trạng như dạng thụt hoặc dạng viên đạn cũng đã được sử dụng, tuy nhiên cần chuẩn bị đại tràng kỹ càng, chưa phổ biến.

Tài liệu tham khảo: Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ

1ava anh hauTS. BS. Nguyễn Xuân Hậu

2020 08 02 192241 Ths. BSNT. Nguyễn Xuân Hiền

Để lại bình luận