PGS. TS. BS. Nguyễn Xuân Hậu – Ths. BSNT. Nguyễn Xuân Hiền
Tổng quan: Các dưới nhóm ung thư tuyến giáp thể nhú
Ung thư tuyến giáp (UTTG) là một trong những bệnh ung thư vùng đầu cổ thường gặp ở cả nam và nữ giới. Bệnh thường được phát hiện tình cờ trong quá trình kiểm tra sức khỏe.
Dù là ung thư có tiên lượng tốt, có khả năng khỏi hoàn toàn. Nhưng ung thư tuyến giáp cũng có đầy đủ đặc tính của một bệnh ung thư như (1) xâm lấn; (2) di căn; (3) tái phát và (4) là bệnh lý mạn tính như tất cả các loại ung thư khác. Vậy nên, UTTG chỉ thực sự có tiên lượng tốt khi được quản lý và điều trị nghiêm ngặt theo đúng phác đồ.
Về mô bệnh học, ung thư biểu mô tuyến giáp tế bào nang gồm 3 loại chính là:
- Ung thư thể biệt hóa (bao gồm thể nhú, thể nang, tế bào ái toan)
- Ung thư thể kém biệt hóa
- Ung thư không biệt hóa
Trong đó UTTG thể nhú hay gặp nhất, chiếm 80-85% và cũng là thể mô bệnh học có tiên lượng tốt nhất.
Tuy nhiên, UTTG thể nhú có rất nhiều dưới typ với tiên lượng khả năng tái phát bệnh hoàn toàn khác nhau. Trong đó, UTTG thể nhú dưới typ tế bào cột, được cho là có tiên lượng kém hơn so với các UTTG thể nhú khác. Về dịch tễ, UTTG thể nhú biến thể tế bào cột chỉ chiếm 0,15 – 0,4% tất cả các UTTG thể nhú. Nhưng tỉ lệ xâm lấn ra ngoài tuyến giáp và di căn hạch lên tới 55% bất kể kích thước khối u ban đầu (theo nghiên cứu của tác giả người Trung Quốc dựa trên cơ sở dữ liệu hơn 40.000 bệnh nhân) cho thấy mức độ ác tính đặc biệt của thể bệnh này. Điều đó dẫn tới sự khó khăn trong điều trị cũng như tiên lượng của bệnh nhân, nếu không được phát hiện sớm và điều trị theo phác đồ.
Ngoài biến thể tế bào cột, UTTG thể nhú còn có nhiều biến thể khác có độ ác tính cao hơn rất nhiều so với thể nhú cổ điển. Theo nghiên cứu vào năm 2023 của các tác giả Hàn Quốc về các UTTG thể nhú kích thước nhỏ hơn 1cm và dưới typ của chúng. Trong số 177 bệnh nhân có biến thể ác tính cao của UTTG thể nhú, thì có đến 124 bệnh nhân (chiếm 70,1%) di căn hạch cổ trung tâm và khoảng 30,1% bệnh nhân đã có di căn hạch cổ bên được xác định sau phẫu thuật.
Trường hợp bệnh thực tế
Bệnh nhân nữ 27 tuổi, đi khám sức khỏe định kỳ tại Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thì tình cờ phát hiện mình có tổn thương tại thùy trái tuyến giáp, kích thước 6x5mm (dưới 1cm). Dựa trên các phương tiện chẩn đoán là siêu âm tuyến giáp và chọc hút tế bào khối u, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư thùy trái tuyến giáp chưa di căn hạch. Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật tại Trung tâm Ung bướu. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ là ung thư tuyến giáp thể nhú dưới typ tế bào cột và 14 hạch di căn.
Qua đó có thể thấy, mặc dù u kích thước rất nhỏ nhưng với đặc tính di căn sớm, xâm lấn sớm các khối ung thư tuyến giáp cũng cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo phác đồ điều trị của Mạng lưới Ung thư quốc gia Mỹ (NCCN) 2024, hiện nay phẫu thuật vẫn là phương pháp chính trong điều trị UTTG. Bệnh nhân có thể được phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư. Với những khối ung thư nhỏ, phẫu thuật nội soi tuyến giáp qua đường miệng đảm bảo về tính thẩm mỹ và có thể lấy bỏ cả khối u và hạch di căn.
Bệnh nhân nữ, 27 tuổi được chẩn đoán ung thư thùy trái tuyến giáp chưa di căn hạch, u kích thước 5mm. Kết quả sau mổ ung thư tuyến giáp thể nhú, biến thể tế bào cao; di căn 14/18 hạch cổ trung tâm.
Tóm lược
Như vậy UTTG vẫn là loại ung thư có tiên lượng tốt, nhưng sẽ chỉ thật sự tốt khi:
- Được khám và điều trị phù hợp
- Tiên lượng tốt với những ung thư thể biệt hóa độ ác tính thấp
- Khám lại và theo dõi định kỳ sau điều trị ổn định
- Như vậy câu hỏi “k giáp có nguy hiểm không?” phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Không phải k giáp nào cũng nhẹ và dễ dàng chữa khỏi
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6789210/
https://www.pathologyoutlines.com/topic/thyroidcolumnarvariant.html
https://academic.oup.com/jcem/article/108/6/1370/6955788?login=false