Trung tâm Ung Bướu – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Ấn liên hệ 👉 PGS. TS. Nguyễn Xuân Hậu
Ấn liên hệ 👉 Thạc sĩ. Bác sĩ nội trú. Nguyễn Xuân Hiền
Vi ung thư tuyến giáp thể nhú là gì?
Vi ung thư tuyến giáp thể nhú là một dạng ung thư tuyến giáp với kích thước nhỏ, từ dưới 1cm, và có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm. Đât là loại ung thư phổ biến trong nhóm K tuyến giáp thể nhú. Tuy nhiên, sự phát hiện vi ung thư tuyến giáp thể nhú ngày càng gia tăng nhờ vào các phương pháp hình ảnh hiện đại như siêu âm, điều này dẫn đến việc tạo ra nhiều câu hỏi về cách thức điều trị và theo dõi bệnh nhân.
Vi ung thư tuyến giáp thể nhú: nguy cơ thấp và nguy cơ cao là gì?
Có thể hiểu vi ung thư tuyến giáp thể nhú trước đây được phân thành 2 loại: Nguy cơ thấp và nguy cơ cao
Theo hướng dẫn của hội tuyến giáp Hoa Kỳ, vi ung thư tuyến giáp thể nhú nguy cơ thấp là những khối u tuyến giáp thể nhú có kích thước nhỏ, không có dấu hiệu xâm lấn vào các mô xung quanh hay di căn hạch bạch huyết. Những khối u này có nguy cơ tái phát thấp và có thể chỉ cần theo dõi định kỳ mà không cần phẫu thuật ngay lập tức.
Ngược lại, vi ung thư tuyến giáp thể nhú nguy cơ cao là những khối u có các đặc điểm nguy cơ cao như di căn hạch, xâm lấn mạch máu, xâm lấn cấu trúc xung quanh như khí quản, thực quản, …. Những bệnh nhân này cần phẫu thuật triệt để và kết hợp thêm điều trị iod nếu cần để làm giảm tỷ lệ tái phát.
Như vậy, những yếu tố đánh giá nguy cơ thấp và nguy cơ cao của mỗi hiệp hội khoa học lại khác nhau có thể bổ sung thêm/bớt các yếu tố như: Vị trí khối ung thư trong thùy, khoách cách từ u đến bao giáp, khả năng xâm lấn và di căn hạch, tuổi bệnh nhân, số lượng khối ung thư được phát hiện (đơn ổ hay đa ổ), thể mô bệnh học ác tính, đột biến gen, tình trạng bệnh lý của bản thân hoặc các điều trị trước đó ảnh hưởng đến tuyến giáp như: đa u hai thùy, basedow/ viêm giáp mạn tính, xạ trị vùng cổ.
Thay đổi phân loại vi ung thư tuyến giáp thể nhú của tổ chức y tế thế giới WHO 2022
Mới đây, WHO đã cập nhật phân loại về các khối u tuyến giáp, trong đó, có sự thay đổi quan trọng liên quan đến việc phân loại vi ung thư tuyến giáp thể nhú. Trước đây, vi ung thư tuyến giáp thể nhú chỉ được xác định dưa vào kích thước khối u (dưới 1cm), nhưng theo phân loại mới, WHO đã yêu cầu thêm các yếu tố mô học và di truyền để phân loại ung thư tuyến giáp. Do đó, khái niệm vi ung thư tuyến giáp thể nhú không còn phù hợp và không được sử dụng trong bảng phân loại này.
Liệu khái niệm vi ung thư tuyến giáp thể nhú có còn phù hợp?
Khái niệm vi ung thư tuyến giáp thể nhú theo kích thước khối u đơn thuần từ dưới 1cm có thể không còn đầy đủ và chính xác đối với tất cả bệnh nhân hiện nay. Dù răng kích thước nhỏ thường mang lại tiên lượng tốt, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả những khối u nhỏ này cũng có thể gây ra nguy cơ tiến triển nghiêm trọng như xâm lấn, di căn. Việc chỉ dựa vào kích thước u có thể làm giảm độ chính xác trong việc tiên đoán nguy cơ tái phát và di căn, từ đó dẫn đến quyết định điều trị không phù hợp.
Với sự thay đổi trong phân loại và hiểu biết sâu sắc hơn về các yếu tố di truyền, mô học và đặc điểm bệnh lý, WHO khuyến cáo nên bỏ khái niệm vi ung thư tuyến giáp thể nhú – không coi đó là dưới nhóm của ung thư tuyến giáp thể nhú như trước đây. Thay vào đó, phân loại theo thể mô bệnh học tương tự ung thư tuyến giáp thể nhú có kích thước lớn hơn 1cm. Các yếu tố như đột biến BRAF, tỷ lệ di căn hạch lympho, sự xâm lấn ngoài tuyến giáp hay xâm lấn mạch máu cần được xem xét để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Tầm quan trọng trong quyết định điều trị
Những thay đổi trong phân loại vi ung thư tuyến giáp thể nhú của WHO làm nổi bật sự cần thiết phải đánh giá toàn diện tình trạng bệnh nhân, từ đó đưa ra quyết định điều trị hợp lý hơn. Hiểu rõ các khái niệm về nguy cơ ung thư tuyến giáp để lựa chọn quyết định điều trị trì hoãn (theo dõi chủ động) hay phẫu thuật bảo tồn hay cắt toàn bộ tuyến giáp và sử dụng iod. Chúng tôi sẽ đề cập đến những tiêu chí để ưu tiên theo dõi chủ động trong một bài viết khác.
Kết luận
Kích thước khối u không phải là yếu tố duy nhất để quyết định lựa chọn điều trị. Không phải cứ dưới 1cm là không cần điều trị và chỉ cần theo dõi. Với các thay đổi trong phân loại WHO 2022 về vi ung thư tuyến giáp, rõ ràng khái niệm và phương pháp tiếp cận vi ung thư tuyến giấp thể nhú (K giáp dưới 1cm) đã được làm mới để phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay. Cần tối ưu hóa việc đánh giá các yếu tố nguy cơ trong việc chăm sóc và đưa ra điều trị phù hợp.
Tài liệu tham khảo
1. 2023 European Thyroid Association Clinical Practice Guidelines for Thyroid Nodule Management
2. 2015 American Thyroid Association Management Guidelines for Adult Patients with Thyroid Nodules and Differentiated Thyroid Cancer
3. The 2024 revised clinical guidelines on the management of thyroid tumors by the Japan Association of Endocrine Surgery
4. The 2022 WHO classification of thyroid tumors: novel concepts in nomenclature and grading