PGS.TS. BS. Nguyễn Xuân Hậu – Ths. BSNT. Nguyễn Xuân Hiền
Trong quá trình thăm khám định kỳ cho các bệnh nhân sau phẫu thuật tuyến giáp thì khó ngủ, mất ngủ kéo dài mới xuất hiện sau mổ là một trong những than phiền mà bác sĩ gặp tương đối thường xuyên. Tình trạng này khiến người bệnh mệt mỏi, giảm thiểu chất lượng cuộc sống cũng như ảnh hưởng không tốt tới quá trình hồi phục lại sức khoẻ. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và một số giải pháp có thể phần nào khắc phục được tình trạng này.
CÁC NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ GÂY NÊN TÌNH TRẠNG MẤT NGỦ SAU MỔ TUYẾN GIÁP
Phẫu thuật tuyến giáp hiện nay đóng vai trò quan trọng trong điều trị khá nhiều bệnh lý tuyến giáp như: ung thư tuyến giáp, bướu lành tuyến giáp, bệnh basedow, bướu nhân độc tuyến giáp… Phẫu thuật có thể bao gồm
- Cắt tuyến giáp toàn bộ
- Cắt tuyến giáp bảo tồn (nghĩa là vẫn giữ lại 1 thuỳ hoặc 1 phần nhu mô tuyến giáp)
Sau mổ, với những bệnh nhân được phẫu thuật
- Cắt tuyến giáp toàn bộ sẽ sử dụng hormone tuyến giáp thay thế suốt đời
- Cắt tuyến giáp bảo tồn phần lớn các trường hợp không cần sử dụng thuốc hormone tuyến giáp bổ sung. Tuy nhiên, vẫn có 1 lượng nhỏ bệnh nhân có những thay đổi hormone tuyến giáp sau phẫu thuật này.
Hormone tuyến giáp có ảnh hưởng lên gần như tất cả các cơ quan trong cơ thể, và sự biến động của hormone này ảnh hưởng rất nhiều lên sinh lý giấc ngủ của chúng ta.
Hai tình trạng biến đổi hormone tuyến giáp có thể gặp là:
- Cường giáp: lượng hormone tuyến giáp thừa do liều thuốc cao
- Nhược giáp: lượng hormone không đủ so với nhu cầu cơ thể do (1) liều thuốc thấp hoặc (2) chức năng phần tuyến giáp còn lại chưa đủ đáp ứng nhu cầu cơ thể
Cả hai tình trạng này đều gây ảnh hưởng tới giấc ngủ
- Cường giáp khiến cơ thể hồi hộp, luôn căng thẳng về mặt tâm trí và các cơ bắp cũng luôn mệt mỏi. Ngoài ra cường giáp còn gây chứng ra mồ hôi về đêm và tăng số lần đi tiểu trong đêm, tất cả các yếu tố này đều ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ.
- Tình trạng nhược giáp cũng đã được chứng minh có liên hệ mật thiết tới giấc ngủ với nhiều nghiên cứu lớn trên thế giới. Nhược giáp gây khó đi vào giấc ngủ, và chất lượng giấc ngủ thì cũng giảm sút, không sâu giấc. Bên cạnh đó, bệnh nhân nhược giáp chịu lạnh tương đối kém, đặc biệt khi thời tiết vào đông, người bệnh thường thức giấc giữa đêm vì lạnh.
Ngoài ra, thời gian đầu sau mổ bệnh nhân có thể thấy khó chịu, ngứahoặc cảm giác xơ cứng hay thậm chí là đau nhẹ vị trí vết mổ tại cổ. Yếu tố tâm lý không ổn định sau mổ cũng rất quan trọng, đặc biệt với các bệnh nhân mổ tuyến giáp vì ung thư.
Tất cả các yếu tố này đều ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ người bệnh.
Một số giải pháp
-
Tư thế ngủ đúng
Sử dụng gối có chiều cao phù hợp để làm giảm lực căng vết mổ, ngoài ra bạn cũng nên để thêm một chiếc nữa dưới khớp gối. Chiếc gối này giúp bạn hạn chế lăn trở về tư thế nằm sấp.
Trong trường hợp bạn cảm thấy không quen hoặc khó chịu với tư thế nằm ngửa, hãy thử tư thế nằm nghiêng với 1 chiếc gối ở giữa hai chân, tư thế này cũng có tác dụng tương tự tư thế nằm ngửa.
-
Điều chỉnh hormone tuyến giáp phù hợp
Như đã đề cập ở trên, hormone tuyến giáp là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ của chúng ta. Khi bạn cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào của cường giáp như hồi hộp, đánh trống ngực, mệt mỏi căng thẳng kéo dài hoặc các triệu chứng của nhược giáp như cơ thể lờ đờ, uể oải, thiếu minh mẫn, sợ lạnh… hãy liên hệ với bác sĩ điều trị để được xét nghiệm, đánh giá chức năng tuyến giáp và có thể là điều chỉnh liều thuốc hormone tuyến giáp.
-
Loại bỏ stress trước khi ngủ
Việc trải qua một cuộc phẫu thuật lớn như mổ tuyến giáp và đặc biệt là mổ tuyến giáp do ung thư thường gây cho người bệnh tương đối nhiều sự lo lắng và bi quan. Trong trường hợp những yếu tố này làm cản trở giấc ngủ của bạn, hãy liên hệ với các bác sĩ để được tư vấn, tháo bỏ những trăn trở, bi quan về bệnh tình, hoặc thậm chí bạn cũng có thể liên hệ với các chuyên viên tư vấn tâm lý nếu tình hình không cải thiện.
Trước khi ngủ, bạn cũng có thể thử bài tập thiền nằm. Bài tập này chỉ kéo dài khoảng 5 đến 10 phút mỗi lần với các bước tương đối đơn giản nhưng hiệu quả khá tốt. Trong khi thiền, hãy thả lỏng bản thân, tập trung vào từng nhịp thở, cảm nhận từng dòng chảy năng lượng đang hoạt động trong cơ thể, quên đi những lo lắng, bạn sẽ sớm chìm vào giấc ngủ.
-
Tập luyện thể dục thường xuyên
Bệnh nhân thường được tư vấn nên hạn chế vận động mạnh trong ít nhất một tuần sau mổ. Tuy nhiên, khi vết mổ đã liền tốt, sức khoẻ hồi phục, bệnh nhân rất nên tập thể dục hằng ngày. Việc tham gia các hoạt động thể dục thể thao ngoài việc tăng chất lượng giấc ngủ thì cũng phần nào hạn chế được các stress cho người bệnh. Tuy vậy, bạn nên tránh các bài tập cường độ lớn trong ít nhất 3 tiếng trước khi ngủ.
-
Hạn chế đồ uống chứa caffein
Trên thực tế caffein khiến cơ thể bạn tỉnh táo có thể kéo dài tới 8 tiếng. Vì vậy, bạn nên hạn chế cà phê, trà hay nước tăng lực ít nhất 6 tiếng trước khi đi ngủ. Bạn cũng nên tránh ăn đồ ăn có sô-cô-la, vì trong sô-cô-la cũng có chứa caffein. Ngoài ra các thực phẩm cay nóng cũng cần được hạn chế trong thời gian này.
-
Điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp
Nhiệt độ phòng cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ. Nếu bạn gặp phải tình trạng ra mồ hôi nhiều về đêm, điều chỉnh nhiệt độ hạ một chút có thể là giải pháp. Ngược lại, nếu giữa giấc ngủ bạn thức giấc vì thấy lạnh, hãy chủ động tăng nhiệt độ phòng lên một chút trước khi ngủ.
-
Thay đổi không gian ngủ
Hãy cố gắng tạo một không gian thuận lợi tối đa cho giấc ngủ như: loại bỏ các vật dụng phát sáng không cần thiết, tắt hoặc di chuyển các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, ti vi, đồng thời loại bỏ các tác nhân có thể gây nên các tiếng ồn như đồng hồ hay thú cưng… Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thử dùng các loại tinh dầu thơm để trong phòng ngủ. Một số loại tinh dầu như tinh dầu hoa oải hương, hoa nhài, cam chanh… từ lâu đã được dùng trong dân gian, có tác dụng giúp giảm căng thẳng, lo lằng và hỗ trợ giấc ngủ tương đối tốt.
Trong trường hợp các biện pháp trên đây không đem lại hiểu qủa như mong muốn, hoặc khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào xảy ra, hãy liên lạc ngay với bác sĩ điều trị của bạn để tìm ra nguyên nhân thực sự nằm sau, từ đó giải quyết được vấn đề tận gốc.