Trung tâm Ung Bướu – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Ấn liên hệ 👉 PGS. TS. Nguyễn Xuân Hậu
Ấn liên hệ 👉 Thạc sĩ. Bác sĩ nội trú. Nguyễn Xuân Hiền
Đối với bệnh lý ung thư nói chung, việc điều trị ở giai đoạn bệnh sớm luôn là yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả và giảm chi phí điều trị bệnh.
Gần đây, một số quan điểm cho rằng không cần thiết phải phát hiện sớm ung thư tuyến giáp để gây ra lo lắng và điều trị quá mức cho bệnh nhân. Vậy quan điểm đó có đúng không? Và chúng ta có nên lãng quên việc phát hiện bệnh sớm để bỏ lỡ cơ hội vàng giữ lại tuyến giáp?
Sàng lọc và phát hiện sớm – nên hiểu như thế nào?
Có hai khái niệm cần làm rõ để tránh hiểu lầm đó là (1) sàng lọc và (2) phát hiện bệnh sớm1
- Sàng lọc: Sàng lọc là cách đánh giá mỗi cá thể hay cộng đồng khoẻ mạnh về mặt lâm sàng, nhằm phát hiện ung thư tiềm ẩn hay thương tổn tiền ung thư để điều trị khỏi.2 Mục tiêu của sàng lọc nhằm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư.3 Chúng ta cần nhớ rõ mục tiêu này để hiểu xuyên suốt toàn bộ bài phân tích.
- Phát hiện sớm: Là nhận biết bệnh ở giai đoạn rất sớm – khi đã có một số biểu hiện nhẹ nhưng chưa rõ ràng. Phát hiện sớm thường xảy ra sau khi bệnh nhân cảm nhận được dấu hiệu bất thường và đi khám. Việc phát hiện sớm đem lại hiệu quả điều trị bệnh cao hơn so với việc phát hiện bệnh muộn.4,5
Như vậy, luận điểm quan trọng nhất để lý giải tại sao ung thư tuyến giáp không được lựa chọn để xây dựng chương trình quy mô lớn như một số bệnh ung thư khác, vì việc sàng lọc ung thư tuyến giáp không làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh này một cách rõ ràng, trong khi tiêu tốn nhiều nguồn lực y tế. Tuy nhiên, ở một số vùng có nguy cơ mắc bệnh cao, việc sàng lọc vẫn cần được quan tâm. Trong một phân tích tổng hợp trên 14 nghiên cứu được công bố năm 2023 đã chỉ ra thực tế việc sàng lọc ung thư tuyến giáp giúp làm giảm tỉ lệ tử vong và tỷ lệ tái phát bệnh.6 Vì vậy vai trò chính xác của sàng lọc ung thư tuyến giáp đối với kết cục sống còn của bệnh phụ thuộc nhiều yếu tố như quần thể dân số, đặc điểm địa phương và vẫn còn đang được tranh luận.
Mặt khác, bên cạnh mục tiêu về sống còn, mỗi bệnh ung thư lại có mục tiêu điều trị khác nhau. Đối với ung thư tuyến giáp, việc bảo tồn tuyến giáp, nâng cao chất lượng sống và giảm tỷ lệ tái phát do bệnh được coi là những ưu tiên hàng đầu vì đây là tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể. Do đó, bạn sẽ lựa chọn đi khám khi có các triệu chứng (1) sờ thấy khối u, (2) sờ thấy hạch, hoặc (3) khi khối u xâm lấn gây khó thở, khó nuốt và bắt buộc phải cắt toàn bộ tuyến giáp hay bạn muốn phát hiện bệnh sớm hơn để nâng cao tỷ lệ điều trị bảo tồn tuyến giáp?
Tóm lại: Việc sàng lọc ung thư tuyến giáp có làm thay đổi tỷ lệ tử vong do bệnh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, giảm tỷ lệ tử vong không phải là mục tiêu duy nhất trong điều trị ung thư tuyến giáp, do đó, không nên bỏ lỡ việc phát hiện sớm bệnh để đánh mất cơ hội “vàng” bảo tồn tuyến giáp!
Vì sao phát hiện sớm ung thư tuyến giáp lại quan trọng?
Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ ung thư tuyến giáp đang ngày càng gia tăng, trong bối cảnh đó, phát hiện sớm ung thư tuyến giáp giúp:
- Cải thiện tiên lượng bệnh. Khi phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống 5 năm của bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú có thể lên đến gần 100%. Một nghiên cứu theo dõi toàn quốc tại Hàn Quốc với gần 5.000 bệnh nhân cho thấy các bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tuyến giáp khi đã phát hiện triệu chứng có tỉ lệ tử vong cao hơn đáng kể so với nhóm bệnh nhân được phát hiện khi chưa có bất kì triệu chứng nào.6,7
- Tăng tỉ lệ phẫu thuật bảo tồn tuyến giáp. Các nghiên cứu và hướng dẫn thực hành lâm sàng đều động thuận lợi ích điều trị của phẫu thuật cắt thùy tuyến giáp (phẫu thuật bảo tồn) tương đương/vượt trội hơn so với cắt toàn bộ tuyến giáp ở những bệnh nhân giai đoạn sớm, khối u bé (đơn ổ, không kèm theo các yếu tố nguy cơ khác). Một nghiên cứu đánh giá hiệu quả chi phí của việc sàng lọc sớm ung thư tuyến giáp bằng siêu âm tại Hàn Quốc cho thấy, phát hiện sớm giúp tăng khả năng thực hiện phẫu thuật bảo tồn thay vì phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, từ đó giảm chi phí điều trị.8
- Giảm nguy cơ biến chứng. Liên quan đến việc cắt toàn bộ tuyến giáp như suy giáp nặng, lệ thuộc vào thuốc suốt đời, giảm nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật so với phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp.9
Tóm lại: Rõ ràng, khi đã có các triệu chứng lâm sàng của ung thư tuyến giáp như (1) sờ thấy khối u, (2) sờ thấy hạch, hay (3) nói khàn hoặc (4) khó thở, khó nuốt thì giảm đáng kể việc bảo tồn tuyến giáp. Việc phát hiện muộn sẽ làm tăng đáng kể chi phí và thời gian điều trị do phải kết hợp thêm với các phương pháp điều trị khác như Iod phóng xạ, hoặc xạ trị ngoài. Ngoài ra, nếu không phát hiện sớm ung thư tuyến giáp thì bạn sẽ không thể lựa chọn được bệnh nhân phù hợp cho chỉ định (1) phẫu thuật hay (2) điều trị theo dõi chủ động.
Khi nào bạn cần sàng lọc ung thư tuyến giáp?
Theo khuyến nghị từ các tổ chức y tế như ATA (Hội tuyến giáp Hoa Kỳ), US Preventive Services Task Force (USPSTF):10,11
- Nếu bạn không có triệu chứng, việc sàng lọc không phải là yêu cầu bắt buộc đối với toàn bộ dân số. Cần nhấn mạnh là bắt buộc cho toàn bộ dân số. Hiểu nôm na rằng chúng ta nên dành nguồn lực y tế để ưu tiên sàng lọc các bệnh lý ung thư khác hơn là xây dựng chương trình sàng lọc ung thư tuyến giáp quy mô lớn đến tất cả mọi nơi trên lãnh thổ. Tuy nhiên, để có quyết định này ở từng quốc gia thì cần có triển khai nghiên cứu đánh giá dịch tễ phù hợp. Ngoài ra, một trong những mục tiêu điều trị ung thư tuyến giáp là tăng tỷ lệ điều trị bảo tồn – mục tiêu này không phải là tiêu chí đánh giá của chương trình sàng lọc ung thư. Do đó, nếu chỉ nhìn vào tiêu chí giảm tỷ lệ tử vong do bệnh thì chưa đầy đủ các khía cạnh mà điều trị ung thư tuyến giáp quan tâm.
- Khuyến cáo trên không áp dụng cho cho những người có các triệu chứng như khàn giọng, đau, khó nuốt hoặc các triệu chứng khác ở cổ hoặc những người có khối u, sưng, cổ không cân xứng hoặc các lý do khác để kiểm tra cổ. Ngoài ra, sàng lọc nên được áp dụng với các đối tượng thuộc các nhóm nguy cơ như:12
- Có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến giáp.
- Đã từng tiếp xúc với phóng xạ vùng đầu cổ.
- Có bệnh lý tuyến giáp từ trước (bướu giáp, u tuyến giáp, …)
- Có chế độ ăn ít iod hoặc có các hội chứng di truyền có liên quan đến tuyến giáp
- Phụ nữ từ 30-50 tuổi (đối tượng dễ mắc ung thư tuyến giáp thể nhú).
Các phương pháp phát hiện sớm phổ biến
- Siêu âm tuyến giáp là phương pháp hoàn toàn an toàn, không xâm lấn giúp đánh giá nguy cơ ác tính của khối u.
- Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA). Cần lưu ý rằng không phải tất cả các nhân tuyến giáp đều cần chỉ định chọc hút kim nhỏ. Cũng không phải nhân giáp có kích thước dưới 1cm là không cần chọc hút kim nhỏ. Chúng tôi sẽ đề cập đến ở 1 bài viết khác
Kết luận
Phát hiện sớm ung thư tuyến giáp tăng khả năng chữa khỏi bệnh, tăng khả năng bảo tồn tuyến giáp, đánh giá đúng tính chất của khối ung thư để có lựa chọn (1) phẫu thuật bảo tồn hay (2) theo dõi tích cực chủ động.
Bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ phân tích rõ các yếu tố lựa chọn phù hợp để theo dõi tích cực chủ động cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Cancer – Screening and early detection. Accessed April 27, 2025. https://www.who.int/europe/news-room/fact-sheets/item/cancer-screening-and-early-detection-of-cancer
- Froelicher VF, Myers J. Chapter 9 – Screening Apparently Healthy Individuals. In: Froelicher VF, Myers J, eds. Manual of Exercise Testing (Third Edition). Mosby; 2007:261-299. doi:10.1016/B978-0-323-03302-2.50012-9
- Definition of screening – NCI Dictionary of Cancer Terms – NCI. February 2, 2011. Accessed April 27, 2025. https://www.cancer.gov/publications/dictionaries/cancer-terms/def/screening
- Crosby D, Bhatia S, Brindle KM, et al. Early detection of cancer. Science. 2022;375(6586):eaay9040. doi:10.1126/science.aay9040
- Schiffman JD, Fisher PG, Gibbs P. Early Detection of Cancer: Past, Present, and Future. Am Soc Clin Oncol Educ Book. 2015;(35):57-65. doi:10.14694/EdBook_AM.2015.35.57
- Moon S, Song YS, Jung KY, Lee EK, Park YJ. Lower Thyroid Cancer Mortality in Patients Detected by Screening: A Meta-Analysis. Endocrinol Metab (Seoul). 2023;38(1):93-103. doi:10.3803/EnM.2023.1667
- Moon S, Lee EK, Choi H, Park SK, Park YJ. Survival Comparison of Incidentally Found versus Clinically Detected Thyroid Cancers: An Analysis of a Nationwide Cohort Study. Endocrinol Metab (Seoul). 2023;38(1):81-92. doi:10.3803/EnM.2023.1668
- Baek HS, Ha J, Kim K, et al. Cost-Utility Analysis of Early Detection with Ultrasonography of Differentiated Thyroid Cancer: A Retrospective Study on a Korean Population. Endocrinol Metab (Seoul). 2024;39(2):310-323. doi:10.3803/EnM.2023.1870
- Chen W, Li J, Peng S, et al. Association of Total Thyroidectomy or Thyroid Lobectomy With the Quality of Life in Patients With Differentiated Thyroid Cancer With Low to Intermediate Risk of Recurrence. JAMA Surgery. 2022;157(3):200-209. doi:10.1001/jamasurg.2021.6442
- Haugen BR, Alexander EK, Bible KC, et al. 2015 American Thyroid Association Management Guidelines for Adult Patients with Thyroid Nodules and Differentiated Thyroid Cancer: The American Thyroid Association Guidelines Task Force on Thyroid Nodules and Differentiated Thyroid Cancer. Thyroid. 2016;26(1):1-133. doi:10.1089/thy.2015.0020
- US Preventive Services Task Force. Screening for Thyroid Cancer: US Preventive Services Task Force Recommendation Statement. JAMA. 2017;317(18):1882-1887. doi:10.1001/jama.2017.4011
- Lin JS, Bowles EJA, Williams SB, Morrison CC. Introduction. In: Screening for Thyroid Cancer: A Systematic Evidence Review for the U.S. Preventive Services Task Force [Internet]. Agency for Healthcare Research and Quality (US); 2017. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK447371/