TS. BS. Nguyễn Xuân Hậu – Ths. BS. Nguyễn Xuân Hiền
Việc chẩn đoán ung thư tuyến giáp có thể gây ra tâm lý hoang mang cho người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh đang mang thai.
May mắn thay, đa số ung thư tuyến giáp thường tiến triển rất chậm và hầu như không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Tuỳ vào thời điểm và giai đoạn bệnh mà bạn có thể được các bác sĩ tư vấn điều trị phù hợp: Theo dõi chủ động đến sau khi sinh, can thiệp phẫu thuật sớm, …
Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số lưu ý về ung thư tuyến giáp trong thời kỳ mang thai.
Phẫu thuật có cần thiết không?
Phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất trong ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, đối với phụ nữ đang mang thai, phẫu thuật đôi khi không phải là phương pháp điều trị ưu tiên.
Phẫu thuật thường được ưu tiên trong những trường hợp:
- 3 tháng giữa thai kỳ
- Ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ nhiều
- Ung thư tuyến giáp xâm lấn rộng
- Ung thư tuyến giáp tái phát tiến triển
Ung thư tuyến giáp mới được chẩn đoán thời kỳ mang thai
Đối với ung thư tuyến giáp được chẩn đoán lần đầu phẫu thuật có thể cân nhắc vào thời điểm 3 tháng giữa thai kỳ hoặc sau khi sinh.
Trường hợp trì hoãn phẫu thuật, siêu âm tuyến giáp đánh giá u và hạch được tiến hành song song với theo dõi thai kỳ để thuận lợi cho việc theo dõi và thăm khám.
Tiếp tục theo dõi khi đảm bảo các yếu tố:
- Kích thước u thay đổi không đáng kể qua các lần thăm khám
- Không xuất hiện các dấu hiệu xâm lấn, di căn xa
- Không xuất hiện thêm tình trạng di căn hạch cổ
Cân nhắc phẫu thuật sớm trong trường hợp:
- Tổn thương u phát triển nhanh
- Xuất hiện các dấu hiệu xâm lấn, di căn
- Xuất hiện di căn hạch cổ nhiều
Phẫu thuật khi mang thai có an toàn không?
Phẫu thuật vào thời điểm 3 tháng giữa của thai kỳ an toàn, không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi cũng như sức khoẻ của mẹ. Phẫu thuật vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ không được khuyến cáo bởi ở thời điểm 3 tháng đầu tiên một số thuốc gây mê có thể gây ra tình trạng bất thường thai nhi hoặc tăng nguy cơ sẩy thai. Ở thời điểm 3 tháng cuối của thai kỳ, phẫu thuật có thể làm tăng nguy cơ đẻ non. Ngoài ra, tử cung tăng kích thước cũng có thể gây ra các bất lợi cho mẹ do quá trình nằm tư thế ngửa kéo dài trong quá trình phẫu thuật. Do đó, chúng ta có thể thấy việc đình chỉ thai nghén ở thai phụ phát hiện ung thư tuyến giáp là không cần thiết.
Liệu pháp iod phóng xạ có cần thiết không?
Tế bào lành cũng như tế bào ung thư tuyến giáp có ái tính rất lớn với Iod, lợi dụng đặc điểm này mà liệu pháp iod phóng xạ có thể được sử dụng ở các bệnh nhân sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp với các mục đích như: loại bỏ hoàn toàn mô giáp còn sót sau mổ, loại bỏ các ổ di căn có thể có… Tuy nhiên, điều trị liệu pháp Iod phóng xạ khi đang mang thai không an toàn, và việc phơi nhiễm với Iod phóng xạ của bào thai gây tăng nguy cơ suy giáp bào thai, ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ sau sinh. Vì vậy, ở các phụ nữ sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp trong khi mang thai sẽ được điều trị iod (nếu cần thiết) sau khi ngừng cho con bú. Thời điểm ngừng bú sẽ được cân nhắc dựa vào từng trường hợp cụ thể.
Cần làm gì khi chờ đợi điều trị iod phóng xạ?
Liệu pháp ức chế hormon bằng levothyrox được ưu tiên trong thời gian chờ đợi điều trị iod phóng xạ. Hormon nên được bổ sung ngay sau phẫu thuật ở những bệnh nhân cắt tuyến giáp toàn bộ và được đánh giá lại sau mỗi 4-6 tuần để điều chỉnh liều phù hợp. Ở giai đoạn này, liều khởi đầu levothyrox được sử dụng cao hơn so với những bệnh nhân không mang thai. Liều khởi đầu có thể từ 150 đến 200 μg/ ngày (khoảng 2 μg/kg/ngày). Tiếp tục duy trì liều đến sau khi sinh.