TS. BS. Nguyễn Xuân Hậu – Ths. BS. Nguyễn Xuân Hiền
Dịch tễ
Ung thư tuyến giáp thể nang là loại phổ biến thứ 2 trong các loại ung thư tuyến giáp, chiếm tỉ lệ 10 đến 15% tất cả các loại ung thư tuyến giáp nói chung. Ung thư tuyến giáp thể nang thuộc nhóm “ung thư tuyến giáp biệt hoá tốt”, giống như thể nhú. Ung thư tuyến giáp thể nang thường xuất hiện ở nhóm tuổi cao hơn ung thư thể nhú, ít gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, trái ngược với ung thư tuyến giáp thể nhú, ung thư tuyến giáp thể nang hiếm khi xuất hiện ở người phơi nhiễm với phóng xạ. Nguyên nhân tử vong do ung thư tuyến giáp thể nang thường liên quan với mức độ xâm lấn mạch máu. Tuổi cũng là một yếu tố tiên lượng quan trọng; trên 55 tuổi bệnh thường tiến triển nhanh hơn và độ tập trung iod ở khối u thường kém hơn bệnh nhân trẻ tuổi. Xâm lấn mạch máu là đặc trưng cho ung thư tuyến giáp thể nang và do đó di căn xa cũng phổ biến hơn so với thể nhú. Di căn xa có thể xảy ra ngay cả khi khối u còn rất nhỏ. Phổi, xương, não, gan, bàng quang và da là những vị trí có thể gặp di căn xa. Trái lại di căn hạch lại ít gặp hơn (chỉ từ 8 đến 10%) so với ung thư tuyến giáp thể nhú.
Đặc điểm của ung thư tuyến giáp thể nang
– Khởi phát chủ yếu ở độ tuổi 40-60
– Nữ/ nam = 3/1
– Kích thước u là yếu tố tiên lượng quan trọng (u dưới 1cm có tiên lượng tốt)
– Hiếm khi liên quan với phơi nhiễm phóng xạ
– Di căn hạch không phổ biến (~12%)
– Thường xâm lấn cấu trúc mạch (các tĩnh mạch và động mạch)
– Di căn xa (đến phổi hoặc xương) không phổ biến nhưng thường gặp hơn ung thư thể nhú.
– Tỷ lệ điều trị khỏi cao (gần 95% với u nhỏ ở người trẻ), tỷ lệ này giảm dần theo tuổi.
Chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nang
Chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nang cũng tương tự như chẩn đoán các khối u tuyến giáp khác dựa trên khám lâm sàng, siêu âm + xét nghiệm hormone tuyến giáp, chọc hút tế bào.
Tuy nhiên, một số điểm cần lưu ý đối với ung thư tuyến giáp thể nang
- Chọc hút kim nhỏ (FNA) không thể chẩn đoán chính xác ung thư tuyến giáp thể nang, đôi khi dễ nhầm với u tuyến thể nang (lành tính).
- Sinh thiết tức thì (Đọc thêm: Sinh thiết tức thì là gì?) không chẩn đoán được ung thư tuyến giáp thể nang, và cũng không thể phân loại chính xác mức độ xâm lấn mạch máu của ung thư tuyến giáp thể nang. Do đó, chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nang và mức độ xâm lấn mạch máu của loại ung thư này chỉ có thể dựa trên giải phẫu bệnh sau mổ (khoảng 5 ngày sau mổ). Điều này giải thích vì sao, một số bệnh nhân cần tiến hành cuộc phẫu thuật thứ 2, sau cuộc phẫu thuật lần đầu.
Điều trị ung thư tuyến giáp thể nang
Phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong điều trị ung thư tuyến giáp thể nang (Tham khảo bài viết: Tổng quan phẫu thuật ung thư tuyến giáp).
Phác đồ điều trị kinh điển với ung thư tuyến giáp thể nang
- Với những trường hợp khu trú trong nhu mô, xâm lấn tối thiểu, và kích thước nhỏ có thể được điều trị bằng cắt một thùy và eo tuyến giáp kèm nạo vét hạch
- Tất cả những trường hợp khác nên được điều trị với cắt tuyến giáp toàn bộ và nạo vét hạch.
Sử dụng iod phóng xạ sau phẫu thuật
Các tế bào tuyến giáp có điểm đặc trưng là hấp thu iod để sản xuất hormone. Tận dụng đặc điểm này để điều trị iod phóng xạ ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Tế bào ung thư tuyến giáp thể nang hấp thu iod do đó có thể trở thành đích để điều trị I-131. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân ung thư tuyến giáp đều có chỉ định điều trị; iod phóng xạ thường được sử dụng ở những trường hợp u lớn, di căn hạch, các thể mô bệnh học tiến triển nhanh.
Khả năng bắt giữ iod phóng xạ tăng lên khi nồng độ TSH cao, do đó bệnh nhân nên được ngừng sử dụng hormone thay thế và ăn chế độ ăn ít iod ít nhất 2 tuần trước điều trị (Đọc thêm bài: Chế độ kiêng Iod chuẩn bị uống xạ). Điều trị iod phóng xạ thường áp dụng 6 tuần sau phẫu thuật, có thể nhắc lại sau 12 tháng nếu cần (trong giới hạn liều nhất định).
Sử dụng hormone tuyến giáp sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp thế nào?
Đối với bệnh nhân cắt một thùy và eo tuyến giáp hầu hết không cần bổ sung hormone tuyến giáp sau phẫu thuật. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân cắt toàn bộ tuyến giáp, cần bổ sung hormone thay thế trong suốt quãng đời còn lại.
2 mục đích bổ sung hormone tuyến giáp ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nang:
- Ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư
- Bổ sung lượng hormone thiếu do suy giáp sau phẫu thuật
Theo dõi sau điều trị như thế nào?
Tất cả bệnh nhân nên được theo dõi sát trong những năm đầu tiên về tình trạng bệnh và lượng hormone bằng các xét nghiệm tuyến giáp và siêu âm vùng cổ. Thyroglobulin (Tg) huyết thanh và anti-Tg nhìn chung không hữu ích trong chẩn đoán ban đầu ung thư tuyến giáp nhưng rất hữu ích trong theo dõi sau điều trị ung thư biểu mô biệt hoá tốt (nếu sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ). Mức thyroglobulin (Tg) huyết thanh tăng cao mà trước đó thấp ở bệnh nhân cắt tuyến giáp toàn bộ gợi ý sự tái phát. Giá trị lớn hơn 10ng/ml thường liên quan với sự tái phát ngay cả khi xạ hình iod âm tính. Sự tăng thyroglobulin nên được theo dõi bởi chẩn đoán hình ảnh để xác định vị trí, hạch vùng hoặc các cấu trúc bất thường di căn xa. Mức thyroglobulin thấp từ 1-3 pg/ml ít gợi ý tái phát.