PGS. TS. Nguyễn Xuân Hậu – Ths. BS. Nguyễn Xuân Hiền
Trung tâm Ung Bướu – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Cắt tuyến giáp bảo tồn nghĩa là những trường hợp vẫn còn lại một phần tuyến giáp sau mổ. Đây là phương pháp điều trị phổ biến đối với bệnh lý tuyến giáp, trong đó có ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm. Do đó, chế độ ăn sau cắt tuyến giáp bảo tồn là vấn đề mà nhiều người bệnh đều quan tâm. Vậy ở những bệnh nhân sau mổ cắt tuyến giáp bảo tồn, chế độ ăn có gì cần lưu ý, những đồ ăn nào nên ăn và không nên ăn? Chúng ta sẽ cùng trả lời các câu hỏi trên qua bài viết dưới đây.
Ở nhóm bệnh nhân được tiến hành cắt tuyến giáp bảo tồn, nhu mô tuyến giáp sau mổ vẫn có thể tiết hormone tuyến giáp bình thường. Trong phần lớn trường hợp, phần nhu mô tuyến còn lại vẫn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nội tiết của cơ thể và không cần điều trị hormone thay thế. Tuy nhiên, khoảng 15-20% trường hợp này vẫn cần bổ sung hormone tuyến giáp do phần tuyến giáp còn lại chưa đủ hoặc tạm thời chưa đủ cung cấp lượng homron cần thiết. Do đó chế độ ăn giúp đảm bảo cho “sức khỏe tuyến giáp” là rất quan trọng.
Dưới đây là một số loại thức ăn nên bổ sung và nên hạn chế đối với những bệnh nhân sau mổ cắt tuyến giáp bảo tồn:
Thực phẩm nên bổ sung
1. Thức ăn giàu vitamin D
Bổ sung thức có chứa vitamin D giúp cải thiện khả năng tổng hợp hormone tuyến giáp ở bệnh nhân nhược giáp. Cá hồi, cá mòi, dầu cá… là những nguồn thực phẩm rất giàu vitamin D, ngoài ra còn chứa một một số vi chất cần thiết khác như selenium, kẽm và omega-3. Bổ sung các thức ăn này giúp cung cấp thêm các vi chất cần thiết cho một tuyến giáp khỏe mạnh.
2. Thức ăn giàu kẽm
Kẽm là yếu tố vi lượng cần thiết đối với qua trình tổng hợp hormone tuyến giáp. Các loại ngũ cốc nguyên cám, hạt bí, hạt hướng dương, hạt chia… là những nguồn thực phẩm rất giàu kẽm. Bổ sung các loại salad có chứa các loại hạt này đem lại hiệu quả tốt cho quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp. Thịt bò và thịt gà cũng rất giàu kẽm, bổ sung nguồn đạm từ các loại thịt này cũng có lợi đối với những bệnh nhân sau mổ tuyến giáp.
3. Thức ăn giàu magie
Cũng tương tự kẽm, magie là một yếu tố vi lượng tham gia điêu hòa tổng hợp hormone tuyến giáp. Loại vi chất này tìm thấy nhiều trong sữa chua, hạt bí, rau chân vịt… Chúng ta có thể bổ sung magie bằng cách sử dụng trực tiếp các món ăn này, hoặc có thể chế biến dưới dạng các món salad thay đổi khẩu vị.
4. Thức ăn giàu iod
Iod là nguyên liệu cho quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp, vì vậy cần phải đảm bảo bổ sung đủ iod trong thực đơn hàng ngày. Tôm, các động vật vỏ cứng (trai, ngao, sò, hàu,…), rong biển… và các loại hải sản nói chung là nguồn thức ăn rất giàu iod. Có thể cân nhắc bổ sung thêm các loại thức ăn này vào thực đơn để đảm bảo cung cấp đủ iod trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
5. Thức ăn giàu selenium
Selenium là một loại khoáng chất tham gia vào điều hòa tổng hợp và hoạt động của hormone tuyến giáp. Selenium có nhiều trong cá hồi, trứng gà, quả óc chó và đặc biệt là hạt hạch Brazil. Một số nghiên cứu chỉ ra ăn 1-2 hạt hạch Brazil mỗi ngày giúp cung cấp đủ lượng selenium cần thiết.
6. Thức ăn giàu chất chống oxy hóa
Các loại hoa quả như dâu, việt quất, mâm xôi, bơ rất giàu vitamin C và E, là các vitamin tham gia vào quá trình chống oxy hóa, giúp làm giảm các gốc tự do ở những bệnh nhân nhược giáp. Một số loại quả như táo, lê quýt có chứa pectin, giúp thanh lọc các kim loại nặng như chì, thùy ngân khỏi cơ thể, đây là các yếu tố vi lượng gây độc đối với tuyến giáp.
Thực phẩm nên hạn chế
Bên cạnh đó, đối với những bệnh nhân có tiền sử viêm tuyến giáp trước hoặc sau khi mổ, một số thực phẩm cần hạn chế sử dụng như Gluten, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành, …. Ấn vào đây để tham khảo bài viết: Bệnh nhân viêm giáp nên kiêng ăn thực phẩm nào?