BASEDOW – BỆNH CƯỜNG GIÁP
BASEDOW là bệnh gì?
Bệnh Basedow là nguyên nhân phổ biến nhất gây sản xuất quá mức hormone tuyến giáp trong cơ thể (cường giáp). Bệnh được đặt tên theo tên bác sĩ đầu tiên mô tả tình trạng này vào năm 1835. Basedow là một tình trạng tự miễn dịch, trong đó vì một lí do nào đó cơ thể tạo ra kháng thể kích thích quá mức tuyến giáp. Ngày nay, bệnh có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu định lượng tự kháng thể trong cơ thể, được gọi là globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp (TSI). Có một số phương pháp điều trị bệnh Basedow, bao gồm dùng thuốc kháng giáp, liệu pháp iod phóng xạ, hoặc phẫu thuật. Đánh giá toàn diện và cá thể hóa điều trị là cần thiết để quản lý và điều trị căn bệnh này. Trong trường hợp bệnh Basedow cần phải cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, phẫu thuật nên được thực hiện ở những cơ sở chuyên phẫu thuật và có khoa gây mê hồi sức có kinh nghiệm
Thông tin nhanh về bệnh Basedow
- Nguyên nhân phổ biến nhất gây cường giáp
- Tình trạng tự miễn dịch
- Được chẩn đoán bằng cách phát hiện globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp (TSI)
- TSI có khả năng liên kết với thụ thể hormone kích thích tuyến giáp (TSH) do đó gây ra tình trạng cường giáp.
- Gặp phổ biến ở nữ giới
- Có thể liên quan đến một số yếu tố di truyền
Nguyên nhân của bệnh Basedow?
Bệnh Basedow là một bệnh tự miễn trong đó vì một lý do nào đó mà hệ thống miễn dịch của cơ thể sinh ra các tự kháng thể. Kết quả của quá trình tự miễn này là cơ thể sản xuất ra các protein được gọi là các globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp. Các globulin miễn dịch này có khả năng liên kết với một loại thụ thể giống với thụ thể hormone kích thích tuyến giáp (TSH). Bằng cách này, các globulin miễn dịch kích thích các tế bào tuyến giáp sản xuất hormone một cách liên tục và không kiểm soát tạo ra tình trạng cường giáp.
Triệu chứng của bệnh Basedow?
Trong giai đoạn sớm của bệnh Basedow, các triệu chứng có thể giống bệnh lý khác, gây khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh
1. Triệu chứng thường gặp của bệnh:
- Sút cân không rõ lý do.
- Có thể ăn ngon miệng hơn bình thường.
- Cảm giác nóng hoặc đổ mồ hôi nhiều
- Lo lắng, run, bồn chồn
- Khó ngủ vào ban đêm
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều, đánh trống ngực hoặc đau ngực
- Khó thở hoặc thở nông
- Bướu cổ hoặc khối ở tuyến giáp
- Mắt lồi
- Nhìn mờ, nhìn đôi
- Yếu cơ
- Thay đổi kinh nguyệt
- Tăng tần suất đại tiện
2. Các dấu hiệu và triệu chứng thực thể của bệnh?
Bệnh không được chẩn đoán và điều trị có thể xuất hiện những dấu hiệu sau đây
a) Bướu tuyến giáp Bệnh Basedow gây ra sự phì đại lan tỏa của tuyến giáp hay còn gọi là bướu giáp nhiễm độc lan tỏa. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Khó nuốt
- Thay đổi giọng nói
- Khối mềm ở tuyến giáp
- Thở nông
- Thay đổi thị trường
b) Những thay đổi về mắt trong bệnh Basedow (bệnh mắt basedow) – thay đổi có thể từ nhẹ đến nặng
Các triệu chứng nhẹ:
- Đỏ
- Khô
- Chảy nước mắt
Các triệu chứng nghiêm trọng:
- Nhìn mờ
- Hạn chế vận động nhãn cầu dẫn đến nhìn đôi
- Mắt lồi ra khỏi hốc mắt
c) Thay đổi ở da
- Dày da ở cẳng chân (phù niêm trước xương chày)
- Tổn thương loang lổ và đỏ da
Làm gì để chẩn đoán bệnh Basedow
- Hỏi bệnh sử và khám lâm sàng
- Siêu âm tuyến giáp
- Xét nghiệm máu
- TSH
- fT3 và fT4
- Thyroglobulin
- Tự kháng thể TRAb
- Xạ hình tuyến giáp
- Do iod tập trung nhiều tại tuyến giáp
Các xét nghiệm
1) Bệnh Basedow: Xạ hình tuyến giáp với iod phóng xạ
- Do tập trung iod nhiều tại tuyến giáp nên có thể uống iod phóng xạ như I131 hoặc I123 rồi đo độ tập trung tại tuyến giáp và xạ hình tuyến giáp.
- Kết quả thấy tuyến giáp to, tăng bắt iod phóng xạ lan toả trong bệnh Basedow hoặc khu trú “nhân nóng” trong bướu nhân độc
2) Bệnh Basedow: Có cần chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ hay không?
Nếu bác sĩ nghi ngờ cường giáp do u tuyến yên tăng tiết TSH, bác sĩ sẽ chỉ định chụp cộng hưởng từ để đánh giá
Bệnh Basedow: Chẩn đoán xác định?
Bệnh nhân có các triệu chứng cường giáp kèm theo 1 trong 3 triệu chứng sau có thể chẩn đoán xác định bệnh
- Bướu tăng sinh mạch
- Lồi mắt
- Phù niêm trước xương chày
Xét nghiệm máu
- TSH giảm
- FT3, FT4 tăng cao
- Một số trường hợp TSH giảm nhưng FT3, FT4 bình thường à cường giáp dưới lâm sàng (Nghĩa là cường giáp chưa thay đổi nồng độ hormone, thường gặp trong giai đoạn sớm của bệnh)
- TSH tăng, FT3, FT4 cùng tăng định hướng đến u tuyến yên tăng tiết TSH gây kích thích tuyến giáp
- Kháng thể TRAb tăng
- Xét nghiệm TSI
- Xạ hình tuyến giáp tăng bắt phóng xạ
Các phương pháp điều trị bệnh Basedow?
Có ba phương pháp điều trị bệnh chủ yếu:
1. Thuốc kháng giáp
- Bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc kháng giáp trạng.
- Có hai nhóm thuốc kháng giáp trạng chính methimizole và propthiouracil (PTU).
- Những loại thuốc này ức chế tuyến giáp tạo ra hormone tuyến giáp. Các loại thuốc này cần được bác sĩ nội tiết kê đơn để có thể kiểm soát các tác dụng phụ và biến chứng tiềm ẩn khi sử dụng thuốc.
- Những loại thuốc này thường mất vài tuần để phát huy tác dụng.
- Những loại thuốc này thường không được sử dụng lâu dài để điều trị bệnh Basedow, thường tối đa 2 năm.
- Có một số tác dụng phụ mà bạn cần lưu ý khi dùng thuốc kháng giáp.
- Bạn có thể bị dị ứng thuốc
- Buồn nôn, nôn
- Mất vị giác, đau nhức xương và cơ
- Vàng da ứ mật, viêm gan
- Hạ bạch cầu hạt trong máu
- Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng sốt, ho hoặc cảm lạnh khi dùng những loại thuốc này, hãy liên hệ với bác sĩ nội tiết của bạn ngay lập tức. Đó có thể là tình trạng nghiêm trọng.
2. Liệu pháp iod phóng xạ
- Thường áp dụng ở:
- Bệnh nhân lớn tuổi
- Không phù hợp hoặc biến chứng với điều trị nội khoa
- Tái phát sau điều trị nội, ngoại khoa
- Chống chỉ định điều trị ngoại khoa
- Không áp dụng
- Phụ nữ có thai, cho con bú
- Người trẻ
- Bệnh nhân có lồi mắt nặng
- Nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai trong vòng một năm, không nên sử dụng liệu pháp iốt phóng xạ.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể được chỉ định vì nhiều lý do:
- Phẫu thuật là biện pháp hiệu quả 100% cho bệnh Basedow khi điều trị nội khoa thất bại
- Khi bướu giáp lớn, phẫu thuật tuyến giáp thường được coi là phương pháp điều trị ưu tiên
- Khi thuốc kháng giáp và iod phóng xạ không hiệu quả
- Một số bệnh nhân không thể dùng hoặc không dung nạp thuốc kháng giáp và iod phóng xạ
- Yêu cầu phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp
- Nếu bạn có triệu chứng về mắt, phẫu thuật là liệu pháp ưu tiên để kiểm soát bệnh.
- Cần dùng thuốc hormone tuyến giáp kéo dài và theo dõi sau phẫu thuật.
———————————————————————————————————————————————————————————————
MỔ TUYẾN GIÁP – KHOA UNG BƯỚU – BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
🏘Tầng 4 – Toà nhà A2 – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Hotline: 0878.77.55.88 – 091. 609. 86. 86
Chúc các bạn có sức khỏe viên mãn cùng MỔ TUYẾN GIÁP !
Nguồn: http://motuyengiap.com/