Ăn gì để phòng tránh ung thư tuyến giáp tái phát?

PGS. TS. BS. Nguyễn Xuân HậuThs. BSNT. Nguyễn Xuân Hiền

Tái phát là một trong những đặc tính cơ bản của bệnh lý ung thư. Bất kỳ ung thư nào cũng có khả năng tái phát, ngay cả với ung thư có tiên lượng tốt như ung thư tuyến giáp thể nhú. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề tái phát bệnh như: Giai đoạn bệnh lúc chẩn đoán ban đầu, đặc điểm tế bào ung thư, đặc điểm xâm lấn, khả năng đáp ưng của tế bào ung thư với các phương pháp điều trị. Ngay cả ở các trường hợp ung thư tuyến giáp thể nhú, thì tỷ lệ tái phát ở các dưới nhóm khác nhau cũng không giống nhau. Ví dụ, theo Hội tuyến giáp Hoa Kỳ (2015), bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa đã được cắt tuyến giáp toàn bộ kèm điều trị iod phóng xạ bổ trợ đạt được đáp ứng hoàn toàn thì tỷ lệ tái phát vẫn khoảng 1-4%. Trong khi các trường hợp này nếu đáp ứng trung gian thì tỷ lệ tái phát khoảng 15 – 20%. Do đó, ngoài các yếu tố về bệnh lý, câu hỏi thường gặp ở các bệnh nhân là cần ăn gì để phòng tránh ung thư tuyến giáp tái phát? Bài viết này sẽ nêu lên 1 vài quan điểm về vấn đề thực phẩm và tái phát trong ung thư tuyến giáp (K giáp)

Chế độ ăn giảm iod có đúng không?

Nhiều quan điểm cho rằng chế độ ăn giảm iod sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp có thể làm giảm tỉ lệ tái phát.

Quan điểm này không đúng, đặc biệt với bệnh nhân đã cắt tuyến giáp toàn bộ. Chế độ ăn kiêng iod chỉ được áp dụng cho bệnh nhân chuẩn bị điều trị iod phóng xạ. Mục đích của chế độ ăn giảm iod là làm tăng hiệu quả của phương pháp điều trị này.

Khi áp dụng chế độ kiêng iod, các tế bào tuyến giáp còn sót lại dẫn tới tình trạng “đói iod”, và nhanh chóng hấp thu iod phóng xạ. Khi đó chính iod phóng xạ sẽ tiêu diệt các tế bào tuyến giáp gồm cả lành và ác tính còn sót lại.

Chế độ ăn này được thực hiện khoảng 14 ngày trước khi điều trị iod phóng xạ đối với ung thư tuyến giáp biệt hóa. Như vậy, việc duy trì lâu dài chế độ ăn giảm iod không góp phần làm giảm nguy cơ tái phát bệnh.

Sử dụng các loại rau củ tốt cho tuyến giáp

Ăn nhiều rau củ làm giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp khoảng 25%. Rau củ cung cấp vitamin và khoáng chất, chất chống oxy hóa giúp bảo vệ chống lại bệnh ung thư. Đặc biệt, các rau lá xanh (như rau bina, …) chứa nhiều Magie, làm nguyên tố quan trọng trong điều hòa tổng hợp hormon tuyến giáp. Tuy nhiên, cây họ cải (ví dụ cải bruxen, bắp cải, súp lơ) chứa thiocyanat – dạng giáng hóa của thioglucoside, có thể làm giảm chức năng tuyến giáp, đặc biệt những bệnh nhân viêm giáp hoặc đang suy giáp. Việc điều chỉnh chế độ ăn này chỉ phù hợp đối với bệnh nhân cắt tuyến giáp bảo tồn.

Tránh sử dụng rượu quá mức

Uống 2 ly rượu vang mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp thấp hơn 45% so với nhóm không uống rượu. Giả thuyết cho rằng hoạt tính chống ung thư của polyphenoic từ thân cây nho để sản xuất rượu vang có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư tuyến giáp.  Bên cạnh đó, uống rượu có thể làm tăng mức TSH, làm thay đổi chức năng của tuyến giáp, có thể là nguyên nhân dẫn đến mối liên quan giữa uống rượu và tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp, nếu sử dụng rượu quá mức. Hơn nữa, sử dụng rượu quá mức làm tăng nguy cơ mắc các ung thư khác như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, …. Do đó, việc sử dụng 1 lượng nhỏ rượu có thể tốt cho sức khỏe. Không nên sử dụng lượng lớn thường xuyên. Việc điều chỉnh chế độ ăn này chỉ phù hợp đối với bệnh nhân cắt tuyến giáp bảo tồn.

Sử dụng thực phẩm giàu iod liệu có cần thiết?

Thực phẩm giàu iod có vai trò bảo vệ chống lại ung thư tuyến giáp, nhưng lượng iod quá thấp hoặc quá cao trong chế độ ăn cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp do sự thay đổi nồng độ hormon tuyến giáp. Việc sử dụng thực phẩm giàu iod (cá, tôm, cua, rong biển…) cho thấy làm giảm tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở vùng thiếu iod. Việc điều chỉnh chế độ ăn này chỉ phù hợp đối với bệnh nhân cắt tuyến giáp bảo tồn.

Nên bổ sung vi chất dinh dưỡng

Thực phẩm giàu β-caroten như cà rốt, cà chua, … có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp thể nhú. β-caroten là tiền chất của chất chống oxy hóa, có tác dụng bảo vệ màng protein và lipid, từ đó làm giảm nguy cơ ung thư.

Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào nghiên cứu đầy đủ mối liên quan giữa chế độ ăn và nguy cơ tái phát sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp. Và các kết quả giữa chế độ ăn uống và nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp còn chưa nhất quán. Do đó, bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp cần lựa chọn chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tuân thủ việc tái khám và theo dõi định kỳ để phát hiện sớm bệnh tái phát.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://www.thelancet.com/journals/landia/article/PIIS2213-8587(22)00035-3/abstract
  2. https://www.studocu.com/vn/document/dai-hoc-y-duoc-thanh-pho-ho-chi-minh/mo-phoi-thuc-hanh/704-viet-nam-fact-sheets/47363330
  3. Ywata de Carvalho A, et al. Predictive factors for recurrence of papillary thyroid carcinoma: analysis of 4,085 patients. Acta Otorhinolaryngol Ital. 2021 Jun;41(3):236-242.
  4. Kaliszewski K, et al. Update on the Diagnosis and Management of Medullary Thyroid Cancer: What Has Changed in Recent Years? Cancers (Basel). 2022 Jul 27;14(15):3643.
  5. Morris, L.F., Wilder, M.S., Waxman, A.D. et al. (2001) Reevaluation of the impact of a stringent low-iodine diet on ablation rates in radioiodine treatment of thyroid carcinoma. Thyroid, 11, 749–755.
  6. Josephine H.Li, et al. Low iodine diet in differentiated thyroid cancer: a review. 2015 June 28
  7. Liu ZT, Lin AH. Dietary factors and thyroid cancer risk: a meta-analysis of observational studies. Nutr Cancer. 2014;66(7):1165-78.  [PMID:25256273]
  8. Silalahi J. Anticancer and health protective properties of citrus fruit components. Asia Pac J Clin Nutr. 2002;11:79–84
  9. Bosetti C, Negri E, Kolonel L, Ron E, Franceschi S, Preston-Martin S, McTiernan A, Dal Maso L, Mark SD, Mabuchi K, Land C, Jin F, Wingren G, Galanti MR, Hallquist A, Glattre E, Lund E, Levi F, Linos D, La Vecchia C. A pooled analysis of case-control studies of thyroid cancer. VII. Cruciferous and other vegetables (International) Cancer Causes Control. 2002;13:765–775
  10. Meinhold CL, Park Y, Stolzenberg-Solomon RZ, et al. Alcohol intake and risk of thyroid cancer in the NIH-AARP Diet and Health Study. Br J Cancer. 2009;101(9):1630-4.  [PMID:19862001]
  11. Mack WJ, Preston-Martin S, Bernstein L, Qian D. Lối sống và các yếu tố nguy cơ khác gây ung thư tuyến giáp ở phụ nữ Quận Los Angeles. Ann Epidemiol. 2002; 12 :395–401
  12. Choi WJ, Kim J. Dietary factors and the risk of thyroid cancer: a review. Clin Nutr Res. 2014;3(2):75-88.  [PMID:25136535]
  13. Wie GA, Cho YA, Kang HH, et al. Red meat consumption is associated with an increased overall cancer risk: a prospective cohort study in Korea. Br J Nutr. 2014;112(2):238-47.  [PMID:24775061]
  14. Cléro É, Doyon F, Chungue V, Rachédi F, Boissin JL, Sebbag J, Shan L, Bost-Bezeaud F, Petitdidier P, Dewailly E, Rubino C, de Vathaire F. Dietary iodine and thyroid cancer risk in French Polynesia: a case-control study. Thyroid. 2012;22:422–429
  15. D’Avanzo B, Ron E, La Vecchia C, Francaschi S, Negri E, Zleglar R. Selected micronutrient intake and thyroid carcinoma risk. Cancer. 1997;79:2186–2192

Để lại bình luận