Các dưới nhóm của ung thư tuyến giáp thể nhú và tiên lượng

Trung tâm Ung Bướu – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

1ava anh hau

Ấn liên hệ 👉 PGS. TS. Nguyễn Xuân Hậu

 

Thạc Sĩ - Bác Sĩ Nội Trú - Nguyễn Xuân Hiền - Mổ Tuyến Giáp

Ấn liên hệ 👉 Thạc sĩ. Bác sĩ nội trú. Nguyễn Xuân Hiền

Ung thư tuyến giáp thể nhú là thể mô bệnh học phổ biến nhất, chiếm khoảng 80–85% các trường hợp ung thư tuyến giáp. Nhìn chung, ung thư tuyến giáp thể nhú có tiên lượng rất tốt, với tỷ lệ sống thêm 10 năm trên 90%. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp ung thư tuyến giáp thể nhú đều giống nhau. Các dưới nhóm khác nhau của ung thư tuyến giáp thể nhú có thể ảnh hưởng đáng kể đến tiên lượng, khả năng tái phát và đáp ứng điều trị. Bài viết này cung cấp đặc điểm và tiên lượng của một số dưới nhóm ung thư tuyến giáp thể nhú.

Dưới nhóm cổ điển (Classic subtype)

– Đặc điểm: Là dạng phổ biến nhất (chiếm khoảng 60-70% các trường hợp ung thư tuyến giáp thể nhú), đặc trưng bởi cấu trúc nhú điển hình và nhân có đặc điểm của thể nhú.

– Xu hướng di căn hạch cổ (30-60% tại thời điểm chẩn đoán), hiếm khi di căn xa (5-10%).

– Tiên lượng: Rất tốt. Tỷ lệ sống thêm 10 năm đạt 95-98%. Tỷ lệ tái phát 5-10%.

Dưới nhóm biến thể nang (Follicular subtype)

– Phổ biến thứ 2, chiếm khoảng 15-30% ung thư tuyến giáp thể nhú.

– Đặc điểm: Có dạng cấu trúc nang, nhưng có đặc điểm nhân điển hình của ung thư tuyến giáp thể nhú.

– Tiên lượng: phụ thuộc vào mức độ xâm lấn

+ Biến thể nang có vỏ, không xâm lấn: tiên lượng rất tốt, được xếp vào nhóm tân sản có tính chất gần như lành tính. WHO 2022 đã phân loại nhóm này là u tuyến giáp dạng nang không xâm lấn với đặc điểm nhân thể nhú (NIFPT). Tỷ lệ tái phát < 1%.

+ Biến thể nang có vỏ, xâm lấn: Tiên lượng tốt, tuy nhiên có thể di căn đường mạch máu. Nhóm này được xếp vào nguy cơ tái phát trung bình theo ATA 2015. Tỷ lệ tái phát khoảng 5-10%.

+ Biến thể nang xâm nhập: tiên lượng kém hơn do xâm lấn mô giáp xung quanh, có thể di căn hạch cổ, nguy cơ tái phát cao hơn khoảng 15-20% tùy mức độ xâm lấn.

Dưới nhóm tế bào cao (Tall cell subtype)

– Ít gặp, chiếm khoảng 5-10% trường hợp ung thư tuyến giáp thể nhú.

– Đặc điểm: Tế bào có chiều cao gấp ≥ 3 lần chiều rộng, bào tương ái toan, có đặc điểm nhân thể nhú

– Thường liên quan đến khả năng xâm lấn cao và kháng iod phóng xạ.

– Thường gặp ở người lớn tuổi (>55 tuổi), khối u thường cứng, khó bóc tách.

– Tiên lượng: Xấu hơn thể cổ điển. Tỷ lệ sống thêm 10 năm khoảng 80%, nguy cơ tái phát cao gấp 2-3 lần so với PTC cổ điển. Nguy cơ di căn xa cao hơn, đặc biệt di căn phổi.

Dưới nhóm xơ hóa lan tỏa (Diffuse sclerosing subtype)

– Chiếm khoảng 1-6% ung thư tuyến giáp thể nhú,

– Thường gặp ở bệnh nhân trẻ tuổi (< 30 tuổi), tỷ lệ di căn hạch cổ cao 80-90%, có thể gặp di căn phổi tại thời điểm chẩn đoán. 

– Đặc điểm: Xơ hóa lan tỏa, thâm nhiễm tế bào lympho nhiều, vi vôi hóa lan tỏa.

– Tiên lượng: Xấu hơn thể cổ điển. Tuy nhiên, đây vẫn là ung thư biệt hóa cao, đáp ứng với iod phóng xạ. Tỷ lệ sống thêm 10 năm có thể đạt 85-90% nếu điều trị tích cực.

Dưới nhóm tế bào cột (Columnar cell subtype)

– Hiếm gặp, chiếm < 0,5%.

– Đặc điểm: Tế bào hình cột, nhân tăng sinh mạnh, đôi khi giả cấu trúc tuyến.

– Tiên lượng: Xấu, thường tiến triển nhanh và di căn xa sớm, kém đáp ứng với Iod phóng xạ. Tỷ lệ sống thêm 10 năm < 50%.

Dưới nhóm tế bào đinh tán (Hobnail cell subtype)

– Hiếm gặp (< 1%), rất ác tính, thường gặp ở người lớn tuổi (> 55 tuổi).

– Đặc điểm: tế bào u dạng đinh đầu tròn, xếp thành đám đặc hoặc tạo lòng tuyến giả.

– Tỉ lệ đột biến BRAF V600E cao (> 80%)

– Tiên lượng: Rất xấu. Thường tiến triển nhanh, tỷ lệ xâm lấn, di căn xa cao hơn, dễ chuyển dạng thành thể không biệt hóa. Tỷ lệ sống thêm 5 năm < 50%.

Dưới nhóm đặc (Solid/trabecular subtype)

– Ít gặp, chiếm khoảng 1-3% ung thư tuyến giáp thể nhú.

– Được ghi nhận ở trẻ em và người từng phơi nhiễm phóng xạ (như sau thảm họa hạt nhân Chernobyl), còn gọi là dưới nhóm liên quan phóng xạ.

– Đặc điểm: Tế bào u xếp thành đám đặc, đặc điểm nhân thể nhú, có thể có hoại tử, tăng sinh tế bào cao và xâm nhập mạch.

– Thường gặp ở trẻ em, tỷ lệ di căn hạch cổ cao (60-80%), thường phát hiện ở giai đoạn tiến triển hơn so với thể cổ điển.

– Tiên lượng: Kém hơn thể cổ điển, nhưng tỷ lệ sống 10 năm khoảng 75-85%.

Kết luận

Ung thư tuyến giáp thể nhú nói chung có tiên lượng tốt. Tuy nhiên, sự đa dạng về thể mô học dẫn đến sự khác biệt đáng kể về nguy cơ tái phát và kết quả điều trị. Việc xác định đúng Dưới nhóm mô học là quan trọng để cá thể hóa và tối ưu hóa điều trị cho bệnh nhân.

 Tài liệu tham khảo

  1. Juhlin CC, Mete O, Baloch ZW. The 2022 WHO classification of thyroid tumors: novel concepts in nomenclature and grading. Endocr Relat Cancer. 2022 Dec 22;30(2):e220293. doi: 10.1530/ERC-22-0293. PMID: 36445235.
  2. Henke LE, Pfeifer JD, Baranski TJ, DeWees T, Grigsby PW. Long-term outcomes of follicular variant vs classic papillary thyroid carcinoma. Endocr Connect. 2018 Dec 1;7(12):1226-1235. doi: 10.1530/EC-18-0264. PMID: 30352402; PMCID: PMC6240143.
  3. Lloyd RV, Buehler D, Khanafshar E. Papillary thyroid carcinoma variants. Head Neck Pathol. 2011 Mar;5(1):51-6. doi: 10.1007/s12105-010-0236-9. Epub 2011 Jan 8. PMID: 21221869; PMCID: PMC3037461.
  4. Chrisoulidou A, Boudina M, Tzemailas A, Doumala E, Iliadou PK, Patakiouta F, Pazaitou-Panayiotou K. Histological subtype is the most important determinant of survival in metastatic papillary thyroid cancer. Thyroid Res. 2011 Jul 19;4(1):12. doi: 10.1186/1756-6614-4-12. PMID: 21771294; PMCID: PMC3161950.

 

Để lại bình luận