Levothyroxine làm tăng nguy cơ ung thư thứ hai hay không?

PGS. TS. BS. Nguyễn Xuân HậuThs. BS. Nguyễn Xuân Hiền

Trung tâm Ung Bướu – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Levothyroxine là thuốc quan trọng trong điều trị bệnh lý tuyến giáp. Tuy nhiên, một vài thông tin cho rằng thuốc có thể gây ung thư thứ hai. Sau đây, mời bạn đọc cùng tìm hiểu một số thông tin về vấn đề này.

Hormone thay thế sau phẫu thuật tuyến giáp

Tuyến giáp tiết ra hai loại hormone chính là T3-triiodothyronin và T4-tetraiodothyronine. Các hormone này giữ nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, đặc biệt là quá trình chuyển hóa.

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém, gây ra bởi tình trạng giảm nồng độ các hormone T3, T4, dẫn tới các triệu chứng như:

  • Nhịp tim chậm
  • Mệt mỏi
  • Táo bón
  • Sợ lạnh
  • Béo phì

Đối với trường hợp phẫu thuật bảo tồn tuyến giáp, tỷ lệ suy giáp gặp ở khoảng 15 – 30% bệnh nhân và tất cả bệnh nhân sau cắt tuyến giáp toàn bộ.

Levothyroxine hay L-thyroxine là hormone tuyến giáp thyroxine (T4) tổng hợp, được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân suy giáp do nhiều nguyên nhân, trong đó có bệnh nhân sau mổ tuyến giáp. Liều lượng và thời gian dùng levothyroxine ở bệnh nhân sau mổ giáp cũng rất khác nhau, từ liều thấp (≤ 50 μg/ngày) cho tới liều cao (>100 μg/ngày), từ thời gian ngắn (≤1 năm) cho tới thời gian dài (>5 năm) hoặc là suốt đời ở những bệnh nhân cắt toàn bộ tuyến giáp.

Việc sử dụng levothyroxine gần như không gây ra tác dụng phụ, tuy nhiên, một số nghiên cứu có cho thấy sử dụng levothyroxine làm tăng nguy cơ mắc ung thư thứ 2. Vậy thực hư của vấn đề này ra sao? Chúng ta sẽ làm sáng tỏ qua bài viết sau.

Nguy cơ gây ung thư thứ hai khi sử dụng levothyroxine

Theo thống kê của nhiều tổ chức chuyên sâu về tuyến giáp trên thế giới, như Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ (ATA), Hiệp hội Tuyến giáp châu Âu, bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư thứ hai cao hơn so với quần thể chung. Các nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho hiện tượng này là:

  • Do yếu tố môi trường
  • Do liên quan tới các yêu tố về di truyền
  • Hệ quả của quá trình điều trị

Trong các nguyên nhân kể trên, hệ quả của quá trình điều trị là một yếu tố rất được quan tâm từ cả thầy thuốc và người bệnh. Ngoài các biện pháp điều trị như uống iod phóng xạ, xạ trị chiếu ngoài từ lâu đã được đề cập có liên quan bệnh ung thư thứ hai, gần đây việc điều trị hormone thay thế sau phẫu thuật cắt tuyến giáp có gây ra ung thư nguyên phát thứ hai hay không cũng được nghiên cứu.

Nghiên cứu trên hơn 260.000 người sau mổ tuyến giáp do ung thư tại Hàn Quốc kết luận rằng: Việc sử dụng thiếu hoặc thừa hormon thay thế có thể được liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư thứ 2 ở người cắt tuyến giáp điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa.

Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân sử dụng hormone thay thế kéo dài trên 5 năm, hoặc sử dụng liều cao trên 100 μg/ngày có nguy cơ cao hơn mắc ung thư thứ hai. Bên cạnh đó, nguy cơ ung thư thứ hai cũng tăng lên ở các trường hợp sử dụng hormone thay thế ngắn từ dưới 1 năm và liều thấp từ dưới 50 μg/ngày. Do đó, việc sử dụng thiếu hoặc thừa hormone tuyến giáp có thể là nguyên nhân gây ra ung thư tuyến giáp thứ hai. Do đó, điều chỉnh hormone tuyến giápđánh giá, phân loại nguy cơ qua các lần khám sẽ giúp bác sĩ lựa chọn được liều hormone phù hợp cho bạn nhằm:

  • Đạt mục tiêu kiểm soát bệnh ung thư
  • Duy trì nồng độ hormone tuyến giáp phù hợp
  • Hạn chế xuất hiện nguy cơ ung thư thứ hai

Tương tự, các nghiên cứu đã chỉ ra rối loạn hormone tuyến giáp làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Một loạt nghiên cứu tổng hợp đã báo cáo rằng rối loạn chức năng tuyến giáp làm tăng nguy cơ ung thư vú và tuyến tiền liệt. Một nghiên cứu trên 20.990 bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở Anh đã báo cáo rằng cường giáp hoặc suy giáp không được điều trị làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng và điều trị hormone thay thế trong thời gian dài làm giảm nguy cơ. Dữ liệu của nghiên cứu này cũng cho thấy nguy cơ mắc bệnh về da và khối u ác tính giảm ở những bệnh nhân dùng hormone trong thời gian dài so với những người không dùng hormone.

Mặc dù có mối liên quan về thống kê, tuy nhiên, tỷ lệ xuất hiện ung thư thứ hai cũng rất thấp khoảng 4,5%

Để kết luận lại, chúng tôi xin đưa ra một số nhận định sau:

  • Có sự liên quan giữa rối loạn hormone tuyến giáp (thừa hoặc thiếu hormone tuyến giáp) với sự xuất hiện ung thư thứ hai. Tuy nhiên, để kết luận rằng rối loạn hormone tuyến giáp chắc chắn gây ra ung thư thứ hai thì chưa đủ bằng chứng.
  • Thuốc levothyrox không phải là nguyên nhân làm xuất hiện ung thư thứ hai.
  • Điều trị đúng chỉ định và theo dõi sát giúp chọn liều hormone phù hợp, giảm các rủi ro không đáng có.

Sử dụng hormone thay thế an toàn Và hiệu quả

Điều trị hormone thay thế là cần thiết đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật, đặc biệt ở các bệnh nhân cắt toàn bộ tuyến giáp. Như đã phân tích ở trên, thuốc không gây ra ung thư thứ hai. Tuy nhiên, các rối loạn homron tuyến giáp có thể liên quan đến sự xuất hiện một số ung thư thứ hai, đặc biệt ở nữ giới. Vậy, sử dụng thuốc như thế nào để tránh gặp phải các rủi ro ngoài ý muốn:

  • Chỉ điều trị khi có chỉ định của bác sĩ
  • Uống thuốc đúng theo hướng dẫn
  • Điều trị đúng liều, đúng thời gian
  • Kiểm tra nồng độ hormone để chỉnh liều thuốc phù hợp

 

Tài liệu tham khảo: https://www.nature.com/articles/s41598-023-43461-8

    

One thought on “Levothyroxine làm tăng nguy cơ ung thư thứ hai hay không?

  1. Pingback: 3 Vấn đề Chính Cần Quan Tâm ở Bệnh Nhân K Giáp Sau Cắt Tuyến Giáp Toàn Bộ - Mổ Tuyến Giáp

Để lại bình luận