Mối quan hệ giữa béo phì và nguy cơ ung thư tuyến giáp

PGS. TS. BS. Nguyễn Xuân HậuThạc sĩ. Bác sĩ nội trú. Nguyễn Xuân Hiền

Trung tâm Ung Bướu – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Béo phì là vấn đề sức khỏe toàn cầu với tỷ lệ ngày càng tăng trong vài thập kỷ qua. Ngoài các nguy cơ đã biết như bệnh tim, tiểu đường, và cao huyết áp, béo phì còn liên quan đến nguy cơ gia tăng của nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư tuyến giáp. Hiểu được mối quan hệ này là điều cần thiết cho cả việc phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh.

Ung thư tuyến giáp là gì?

Ung thư tuyến giáp bắt nguồn từ tế bào tuyến giáp – tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể. Tuyến giáp sản xuất hormone điều hòa quá trình trao đổi chất, nhịp tim, và nhiệt độ cơ thể. Có nhiều loại ung thư tuyến giáp, phổ biến nhất là ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang. Các loại ít phổ biến hơn bao gồm ung thư tuyến giáp thể tủy và thể không biệt hóa.

Béo phì là tình trạng như thế nào?

Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ thừa gây hại cho sức khỏe, được xác định qua chỉ số khối cơ thể (BMI). BMI từ 30 trở lên được xem là béo phì, chia thành ba cấp độ với mức độ nguy cơ khác nhau. Nguyên nhân gây béo phì bao gồm chế độ ăn uống, lối sống ít vận động, yếu tố di truyền và môi trường. [1] Béo phì và thừa cân đã được chứng minh là yếu tố nguy cơ liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim mạch, tiểu đường, và ung thư. Để phòng ngừa và kiểm soát béo phì, bạn cần duy trì lối sống lành mạnh, có một chế độ dinh dưỡng cân bằng và tham khảo ý kiến chuyên gia y tế. [2]

Mối liên hệ giữa béo phì và Ung thư tuyến giáp

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan giữa béo phì và nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp. Trong một nghiên cứu phân tích gộp với 21 báo cáo và hơn 12.000 trường hợp ung thư tuyến giáp, các nhà nghiên cứu ước tính rằng chỉ số BMI tăng 5 điểm và tỷ lệ eo/hông tăng 0,1 điểm sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp lần lượt là 30% và 14%. [3] Trong một nghiên cứu khác được công bố năm 2016, Kitahara và các cộng sự đã phân tích tổng hợp 22 nghiên cứu tiến cứu, theo dõi trong 10 năm với 833.176 tình nguyện viên nam và 1.260.871 tình nguyện viên nữ. Nghiên cứu đã cho thấy béo phì, thừa cân là yếu tố nguy cơ có ý nghĩa thống kê làm gia tăng tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp. [4] Mới đây hơn, trong các nghiên cứu của các tác giả Hàn Quốc và Trung Quốc, các tác giả cũng cho thấy những bằng chứng về ảnh hướng xấu của tình trạng thừa cân, béo phì lên tỉ lệ mắc, sự tiến triển, mức độ nặng và tỉ lệ tử vong của ung thư tuyến giáp. [5], [6]

Cơ chế y học của mối liên hệ giữa béo phì và ung thư tuyến giáp

Gần đây, các cơ chế phân tử làm cơ sở cho mối liên quan giữa sự phát triển của ung thư tuyến giáp và béo phì đã được nghiên cứu và dần sáng tỏ. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giả thiết về cơ sở bệnh như tình trạng viêm mạn tính, các cytokin của mô mỡ – adipokines,  sự rối loạn trong con đường truyền tín hiệu tăng trưởng, tình trạng tăng insulin máu mạn tính, sự thay đổi nội tiết, ảnh hưởng phản ứng miễn dịch và tổn thương DNA do stress oxy hóa. [7]

Biện pháp phòng ngừa

Trước những mối liên hệ đã biết giữa béo phì và ung thư tuyến giáp, rõ ràng duy trì một cân nặng khỏe mạnh là một biện pháp phòng ngừa quan trọng và đơn giản nhằm giúp bạn có một sức khoẻ tốt và hạn chế nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. Dưới đây là một số lời khuyên mà bạn có thể tham khảo:

  1. Duy trì chế độ ăn cân bằng, khoẻ mạnh: Chế độ ăn giàu trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc trong khi hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có đường và chất béo quá mức có thể giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  2. Hoạt động thể chất thường xuyên: Tham gia vào các hoạt động thể chất thường xuyên, như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, hoặc đạp xe, giúp đốt cháy calo và giảm mỡ cơ thể. Hướng tới mục tiêu ít nhất 30 phút mỗi ngày và 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải mỗi tuần.
  3. Đừng quên kiểm tra sức khỏe định kỳ: Kiểm tra y tế định kỳ có thể giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của vấn đề sức khỏe, bao gồm bất thường ở tuyến giáp. Nếu bạn có tiền sử gia đình về bệnh tuyến giáp hoặc các yếu tố nguy cơ khác, hãy đến ngay với các bác sĩ, chuyên gia y tế uy tín để có thêm lời khuyên hữu ích.
  4. Nói không với “stress”: Tình trạng stress, căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến tăng cân và các vấn đề sức khỏe khác. Thực hành các phương pháp thả lỏng thân thể, thiền và giấc ngủ đầy đủ là điều cần thiết để duy trì sức khỏe tổng thể.
  5. Luôn lắng nghe ý kiến của chuyên gia: Cuối cùng và quan trọng nhất, luôn nhớ rằng mọi vấn đề sức khoẻ như cân nặng hay sức khoẻ tuyến giáp đều có những yếu tố khác nhau giữa mỗi cá nhân và luôn có những điều mà bạn không thể tự tìm hiểu hết. Hãy luôn biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ, tư vấn và can thiệp kịp thời từ các bác sĩ, chuyên gia y tế uy tín.

Kết luận

Rõ ràng, mối liên hệ giữa béo phì và ung thư tuyến giáp cho thấy tầm quan trọng của việc giải quyết béo phì giúp nguy cơ đáng kể cho ung thư. Bằng cách hiểu được mối quan hệ này và thực hiện các phương pháp chủ động hướng tới duy trì cân nặng khỏe mạnh, bạn có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp và cải thiện sức khỏe tổng thể. Kiểm tra định kỳ và lối sống lành mạnh là các thành phần quan trọng trong việc phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư. Nếu bạn lo ngại về cân nặng hoặc sức khỏe tuyến giáp của mình, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và có hướng dẫn phù hợp.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/obesity-and-overweight
  2. Renehan AG, Tyson M, Egger M, Heller RF, Zwahlen M. Body-mass index and incidence of cancer: a systematic review and meta-analysis of prospective observational studies. Lancet. 2008 Feb 16;371(9612):569-578.
  3. Schmid D., Ricci C., Behrens G., Leitzmann M.F. Adiposity and risk of thyroid cancer: A systematic review and meta-analysis. Obes. Rev. 2015;16:1042–1054. doi: 10.1111/obr.12321.
  4. Kitahara C.M., McCullough M.L., Franceschi S., Rinaldi S., Wolk A., Neta G., Olov Adami H., Anderson K., Andreotti G., Beane Freeman L.E., et al. Anthropometric Factors and Thyroid Cancer Risk by Histological Subtype: Pooled Analysis of 22 Prospective Studies. Thyroid. 2016;26:306–318. doi: 10.1089/thy.2015.0319
  5. Kim K.N., Hwang Y., Kim K.H., Lee K.E., Park Y.J., Kim S.J., Kwon H., Park D.J., Cho B., Choi H.C., et al. Adolescent overweight and obesity and the risk of papillary thyroid cancer in adulthood: A large-scale case-control study
  6. Li C., Zhou L., Dionigi G., Li F., Zhao Y., Sun H. The Association between Tumor Tissue Calcification, Obesity, and Thyroid Cancer Invasiveness in a Cohort Study
  7. Franchini F, Palatucci G, Colao A, Ungaro P, Macchia PE, Nettore IC. Obesity and Thyroid Cancer Risk: An Update. Int J Environ Res Public Health. 2022 Jan 20;19(3):1116. doi: 10.3390/ijerph19031116. PMID: 35162142; PMCID: PMC8834607.

 

Để lại bình luận