Tuyến giáp có vai trò gì?

PGS. TS. BS. Nguyễn Xuân HậuThs. BSNT. Nguyễn Xuân Hiền

TUYẾN GIÁP VÀ CHỨC NĂNG TUYẾN GIÁP

Tuyến giáp nằm ngay dưới thanh quản và ở trước khí quản, gồm hai thùy phải và trái, đôi khi xuất hiện thuỳ tháp.

Tuyến giáp được cấu tạo bởi các nang giáp, có kích thước vô cùng nhỏ. Bạn có thể hình dung các nang giáp như những hạt lựu, và tập hợp các hạt lựu sẽ tạo thành một quả lựu.

Những nang giáp này chứa đầy các chất tiết trong lòng nang được gọi là chất keo và được lót bằng một lớp tế bào khối là những tế bào bài tiết hormon vào lòng nang. Các tế bào của nang giáp bài tiết hai hormon là T3- triiodothyronin và T4-tetraiodothyronin. Những hormon này có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, đặc biệt là chuyển hóa. Ngoài ra các tế bào cạnh nang tuyến giáp (tế bào C) bài tiết ra hormon calcitonin tham gia chuyển hóa canxi cùng với PTH-parathormon là một hormon bài tiết từ tuyến cận giáp – các tuyến nhỏ nằm sau tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp thể tuỷ là ung thư xuất phát từ các tế bào cạnh nang tuyến giáp (tế bào C).

Hoạt động của tuyến giáp được điều khiển bởi hormone sản xuất bởi vùng dưới đồi và tuyến yên của não bộ. Vùng dưới đồi nhận các tín hiệu về trạng thái của các chức năng trong cơ thể. Khi vùng dưới đồi nhận thấy nồng độ T3 và T4 thấp hoặc tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể thấp, nó sẽ giải phóng ra hormone thyrotropin-releasing (TRH). TRH đi đến tuyến yên qua hệ thống mạch máu, kích thích tuyến yên tiết ra hormone kích thích tuyến giáp (TSH). TSH được sản xuất từ tuyến yên vào máu, đi đến tuyến giáp. Tại tuyến giáp, TSH kích thích các tế bào tuyến giáp sản xuất nhiều T3 và T4 hơn. Sau đó, T3 và T4 sẽ được phóng thích vào máu,
làm nhiệm vụ tăng cường hoạt động trao đổi chất của các tế bào trong cơ thể.

Như vậy, TSH điều hoà việc tiết hormone T3 và T4, ngược lại T3 – T4 điều hoà ngược hormone TSH. Đây chính là cơ sở của việc sử dụng liệu pháp ức chế hormone trong điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hoá

Hormon tuyến giáp
                                Hormon tuyến giáp

XÉT NGHIỆM CHỨC NĂNG TUYẾN GIÁP VÀ TUYẾN CẬN GIÁP

Hormone kích thích tuyến giáp (TSH): Là một glycoprotein từ tuyến yên có tác dụng tăng số lượng kích thướng nang giáp, hệ thống mao mạch cũng như kích thích hoạt động sản xuất hormon tuyến giáp. Nó chịu sự điều khiển tử trên xuống của TRH vùng dưới đồi và chịu sự điều hòa ngược của tuyến đích là tuyến giáp. Khi nồng độ hormon tuyến giáp giảm sẽ kích thích vùng dưới đồi tăng sản xuất TRH và gây tăng sản xuất TSH của tuyến yên, kết quả là tăng hormon tuyến giáp và ngược lại. Nếu nghi ngờ một vấn đề mới xuất hiện, xét nghiệm T4 sẽ được thực hiện cùng với xét nghiệm chỉ số TSH

Thyroxine (T4): Xét nghiệm T4 toàn phần giúp đo lường toàn bộ lượng thyroxine trong máu, đo lường chức năng giáp. Tuy nhiên, việc đo lường T4 toàn phần chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi lượng protein trong máu vì protein có thể gắn kết T4 với hồng cầu, biến T4  thành dạng hoạt động. Ngược lại, T4 tự do (Free T4 – FT4) không bị ảnh hưởng bởi lượng protein trong máu, được xem là dạng hoạt hóa của thyroxine.

Triiodothyronine (T3): Là hormone giáp dạng hoạt động, được tạo ra từ T4. Xét nghiệm T3 toàn phần giúp đo lường lượng Triiodothyronine lưu hành trong máu (gồm cả T3 gắn kết protein và không gắn kết protein). Tuy nhiên, chỉ có T3 gắn kết protein mới có khả năng vận chuyển oxy và năng lượng tới các tế bào. Xét nghiệm T3 tự do (Free T3 – FT3) chỉ đo hàm lượng T3 gắn kết với protein (T3 ở dạng hoạt động). 93% hormon tuyến giáp ở dạng T4, chỉ có 7% ở dạng T3. Tuy nhiên chỉ sau vài ngày hầu hết T4 được chuyển thành T3 và T3 chính là dạng hoạt động tại tế bào. T3 và T4 là các hormon có nhiều tác dụng quan trọng lên cơ thể, đặc biệt là chuyển hóa.

  • Chúng làm tăng sự phát triển của cơ thể
  • thúc đẩy sự phát triển não bộ ở trẻ em
  • chuyển hóa đường, mỡ và protein
  • Tác động lên hệ tim mạch làm tăng co bóp tim cũng như huyết áp
  • Tác động lên hệ thống thần kinh cơ
  • Tác động lên cơ quan sinh dục. Ở nam giới, thiếu hormon giáp gây mất dục tính và bài tiết nhiều quá gây bất lực, ở nữ giới tương ứng sẽ là đa kinh và vô kinh.

Thyroglobulin (Tg) và antiThyroglobulin (antiTg): Tg là viết tắt của Thyroglobulin, một loại protein được tổng hợp bởi tế bào nang tuyến giáp, được giải phóng cùng các hormone tuyến giáp vào máu. Vì thế, Tg được xem là dấu ấn trong các ung thư tuyến giáp thể biệt hóa theo dõi sau cắt tuyến giáp toàn bộ hoặc di căn. Ngoài ra, Tg còn tăng trong một số bệnh lành tính: bướu giáp đơn thuần, basedow, suy giáp bẩm sinh, u hạch lành tính,… Cơ thể chúng ta chống lại các tác nhân gây bệnh và bảo vệ sức khỏe bằng cách tiết ra các kháng thể đặc hiệu. Kháng thể là đặc hiệu với một kháng nguyên, khi kháng thể đã gắn trên mục tiêu, hệ miễn dịch sẽ biết để tiêu diệt chúng. Và Anti-Tg chính là kháng thể của Tg.

Calcitonin: Là một polypeptid từ tế bào nang giáp, có tác dụng làm giảm hoạt động và giảm hình thành các tế bào hủy xương, đồng thời giảm hấp thu ion Canxi ở ruột và ống thận nên có tác dụng làm giảm nồng độ Canxi trong huyết thanh.

PTH: Là một polypeptid sản xuất từ tuyến cận giáp có tác dụng quan trọng trong điều hòa nồng độ canxi huyết thanh. PTH cũng có tác động lên xương, ống thận và ruột với tác động gần như ngược lại với Calcitonin, kết quả làm tăng nồng độ Canxi trong máu. Nồng độ canxi huyết thanh chính là yếu tố điều hòa âm tính ngược PTH, chỉ cần giảm nhẹ mức canxi máu sẽ kích thích tuyến cận giáp tăng sản xuất PTH. Cơ chế điều hòa ngược này cũng có tác động lên Calcitonin nhưng yếu hơn và trong một thời gian ngắn.

MỔ TUYẾN GIÁP – TRUNG TÂM UNG BƯỚU – BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI

#motuyengiap

#trựcthuộcĐạihọcYHàNội

🏘Tầng 4 – Toà nhà A2 – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Chúc các bạn có sức khỏe viên mãn cùng  MỔ TUYẾN GIÁP !

Nguồn: http://motuyengiap.com/

Để lại bình luận