Chọc hút kim nhỏ tế bào tuyến giáp có làm di căn tế bào ung thư hay không?

TS. BS. Nguyễn Xuân HậuThs. BS. Nguyễn Xuân Hiền

Chọc hút tế bào tuyến giáp là thủ thuật phổ biến để chẩn đoán các khối u tuyến giáp nghi ngờ ung thư. Mặc dù đây là thủ thuật được đánh giá an toàn song vẫn có một số thắc mắc thường gặp của bệnh nhân như chọc tế bào tuyến giáp có gây cấy ghép không? Chọc tế bào tuyến giáp có chảy máu không? Chọc tế bào tuyến giáp có nhiễm trùng không?

Những thắc mắc mà chúng ta gặp tương đối thường xuyên này sẽ được làm sáng tỏ qua bài viết sau của motuyengiap!

Phương pháp chọc hút kim nhỏ tuyến giáp là gì?

Tìm hiểu qua bài viết sau dẫn link

Chọc hút tế bào tuyến giáp có làm lây lan tế bào ung thư hay không?

Theo y văn, khả năng này xảy ra là rất hiếm gặp, với chỉ có một vài trường hợp lẻ tẻ được báo cáo. Tác giả Yasuhiro Ito nghiên cứu và theo dõi trên gần 5.000 bệnh nhân được chọc tế bào tuyến giáp thì chỉ nhận thấy có 7 trường hợp xuất hiện tình trạng này, chiếm khoảng 0,1%, tức là rất thấp, và các trường hợp này bệnh đã đều ở giai đoạn muộn, khối u có kích thước lớn, dạng tế bào ác tính, biệt hoá kém và đều có hạch di căn. Do đó, các chuyên gia đều có nhận định chung rằng chọc hút kim nhỏ tuyến giáp là một thủ thuật an toàn, không làm tăng nguy cơ lây lan các tế bào ung thư trên đường chọc kim.

Có sợ chọc nhầm vào các cơ quan quan trọng ở vùng cổ khác không?

Câu trả lời là không. Chọc hút kim nhỏ tuyến giáp được bác sĩ đánh giá là một thủ thuật tương đối an toàn, tuy nhiên một số trường hợp có thể xuất hiện chảy máu hoặc sưng nề vị trí chọc với tỉ lệ từ 1 -2%, nhưng thường nhẹ và không nguy hiểm. Hiện nay đa số thủ thuật được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, tức là bác sĩ có thể nhìn rõ từng cơ quan ở cổ bạn qua máy siêu âm, nên khả năng chọc sang các cơ quan khác gần như là không xảy ra.

Chọc hút kim nhỏ tuyến giáp có đau không?

Do trong quá trình thực hiện bác sĩ chỉ dùng kim có kích cỡ nhỏ, tương đương kim tiêm lấy máu nên cảm giác đau cũng chỉ tương tự như làm xét nghiệm máu và thường cũng không cần phải gây tê hay sử dụng thêm thuốc giảm đau. Vị trí chọc có thể nề nhẹ, nhưng thường chỉ thoáng qua và không gây nhiều khó chịu. Sau chọc, gần như tất cả mọi người đều cảm thấy thoải mái và có thể thực hiện các hoạt động hằng ngày như bình thường.

Cần chuẩn bị gì trước khi làm thủ thuật?

Do đây là thủ thuật không quá phức tạp, nên bạn cũng không cần chuẩn bị nhiều trước thủ thuật. Bạn vẫn có thể ăn uống bình thường, không cần phải ăn kiêng hay nhịn đói. Gần như tất cả các loại thuốc bạn đang dùng như thuốc tiểu đường, huyết áp… đều không cần ngưng trước thủ thuật. Tuy nhiên nếu bạn có bệnh lý tim mạch và đang phải dùng các loại thuốc chống đông máu hay thuốc ức chế tiểu cầu như aspirin, bạn cần thông báo lại với bác sĩ, do các thuốc này gây tăng nguy cơ chảy máu trong và sau khi làm thủ thuật.

Cần chú ý gì trong quá trình làm thủ thuật?

Trong quá trình thực hiện, bạn sẽ nằm hoặc ngồi với tư thế hơi ưỡn cổ ra phía trước một chút, nhằm bộc lộ rõ nhất tuyến giáp cũng như khối u. Đồng thời bạn cũng phải giữ trạng thái bất động, không cử động cổ và không nuốt, không ho hoặc nói trong suốt quá trình chọc kim.

Sau bao lâu thì bạn nhận được kết quả?

Bệnh phẩm sau khi được hút ra sẽ được chuyển tới bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh để phân tích dưới kính hiển vi. Thường sau khoảng vài giờ đồng hồ đến 1 ngày bạn sẽ nhận được kết quả.

Hy vọng các câu thông tin trên đây giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ thuật rất quan trọng trong chẩn đoán ung thư tuyến giáp này. Ngoại ra bạn có thể tham khảo kỹ hơn về thủ thuật này trong một bài viết khác của trang tại đây.

 

Để lại bình luận