Biện pháp tránh thai ở bệnh nhân mắc bệnh lý tuyến giáp

TS. BS. Nguyễn Xuân HậuThs. BS. Nguyễn Xuân Hiền

Hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai khác nhau từ thuốc, cấy que… hay đơn giản nhất là sử dụng bao cao su. Do đó, việc lựa chọn biện pháp tránh thai nào đôi khi lại trở thành mối băn khoăn của nhiều người, đặc biệt với những bệnh nhân nữ trẻ tuổi và có bệnh lý tuyến giáp trước đó.

Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn hiểu biết thêm về mối liên hệ giữa các biện pháp tránh thai và tình trạng tuyến giáp

Các biện pháp tránh thai ảnh hưởng đến tuyến giáp như thế nào?

Các phương pháp tránh thai có sử dụng các hormones sinh dục như estrogen, progesterone, hoặc bao gồm cả hai được sử dụng thường xuyên và phổ biến. Có thể kể đến như: thuốc tránh thai viên uống hoặc dạng tiêm, miếng dán, vòng tránh thai nội tiết, …

Hormone sinh dục, ví dụ: estrogen, có ảnh hưởng đối với các hormone tuyến giáp. Estrogen thúc đẩy cơ thể sản xuất một loại protein tên là: thyroid-binding globulins (TBG), chất này có tác dụng ngăn chặn việc hormone tuyến giáp di chuyển tự do trong máu, tức là “bắt giữ” lại một phần hormone mà cơ thể đang rất cần. Ngoài ra estrogen cũng ảnh hưởng lên quá trình hấp thu Iod của cơ thể – thành phần quan trọng trong sản xuất hormone tuyến giáp. Do đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng các biện pháp tránh thai có chứa estrogen kéo dài có liên hệ mật thiết với tình trạng suy giáp, đặc biệt với những người dùng trên 10 năm.

Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với những người bị suy giáp không được sử dụng các biện pháp tránh thai hormone, mà thay vào đó cần có sự theo dõi nồng độ hormon sát sao hơn, và đôi khi cần bổ sung thuốc hormone tuyến giáp. Sau khi sử dụng thuốc tránh thai khoảng 4 đến 8 tuần, khi nồng độ các hormone đạt trạng thái ổn định, bạn nên được xét nghiệm đánh giá lại chức năng tuyến giáp. Ngược lại, nếu bạn dừng các thuốc tránh thai đó thì liều hormone tuyến giáp có thể cần giảm đi đôi chút.

Một số biện pháp tránh thai không chứa hormone

  • Bao cao su
  • Màng film diệt tinh trùng
  • Tính ngày rụng trứng theo chu kỳ kinh nguyệt
  • Xuất tinh ngoài
  • Thắt ống dẫn tinh, thắt ống dẫn trứng
  • Dụng cụ tử cung không chưa hormone
  • Mũ chụp cổ tử cung

Các biện pháp tránh thai có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm tuyến giáp không?

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp bao gồm các chất thyroid-stimulating hormones (TSH), triiodothyronine (T3), và thyroxine (T4), là một công cụ rất hữu hiệu giúp bác sĩ chẩn đoán và theo dõi trong quá trình điều trị các bệnh lý tuyến giáp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến các xét nghiệm này, ngay cả khi bạn không có bệnh lý tuyến giáp.  Tuy nhiên ảnh hưởng thường chỉ ở mức độ nhẹ và không đáng kể.

Tình trạng tuyến giáp có ảnh hưởng đến hiệu quả của các biện pháp tránh thai hay không?

Chưa có bằng chứng khoa học nào thể hiện có sự ảnh hưởng của chức năng tuyến giáp với hiệu quả của các biện pháp tránh thai. Do đó, kể cả khi bạn có bệnh lý tuyến giáp, thì việc quan trọng nhất để tránh thai hiệu quả đó là tuân thủ đúng cách sử dụng của các biện pháp đó, ví dụ như thuốc tránh thai hằng ngày thì bạn cần uống thuốc đều đặn đúng giờ hằng ngày để thuốc có hiệu quả tốt nhất.

Tóm tắt

Hầu hết các chị em phụ nữ đều sử dụng các biện pháp tránh thai dạng hormone ít nhất một vài lần trong đời. Cần chú ý rằng có mối liên hệ giữa tình trạng suy giáp và các phương pháp tránh thai dạng này, tuy nhiên nguy cơ là thấp và thường gặp ở những người dùng thuốc kéo dài.

Estrogen có trong các biện pháp tránh thai có thể ảnh hưởng lên các xét nghiệm hormone tuyến giáp, tuy nhiên mức độ thường không đáng kể.

Bạn vẫn có thể dùng thuốc tránh thai có chứa estrogen ngay cả khi bạn đang điều trị suy giáp, tuy nhiên bạn cần thông báo tới bác sĩ để được theo dõi chức năng tuyến giáp sát hơn.

Tài liệu tham khảo:

https://ahmadfanaei.com/en/do-birth-control-pills-affect-thyroid-function/

https://www.verywellhealth.com/birth-control-and-hypothyroidism-5271451

 

 

 

Để lại bình luận