PGS. BS. Nguyễn Xuân Hậu – Ths. BS. Nguyễn Xuân Hiền
Trung tâm Ung Bướu – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Âm tính là khái niệm ngắn gọn để bác sĩ giải thích cho bệnh nhân về tình trạng bệnh của mình. Để đánh giá đáp ứng điều trị sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp + iod phóng xạ, các bác sĩ phân ra làm các mức độ như: (1) đáp ứng hoàn toàn, (2) không đáp ứng về mặt sinh hóa, (3) không đáp ứng về mặt cấu trúc hoặc (4) đáp ứng trung gian. Một trong những xét nghiệm cần làm là xạ hình toàn thân. Nếu kết quả xạ hình toàn thân không bắt iod phóng xạ, bệnh nhân sẽ được đánh giá là “xạ hình âm tính”. Tuy nhiên, bên cạnh xạ hình toàn thân thì một số vấn đề khác cần quan tâm để đánh giá xếp loại vào 4 nhóm trên như Tg, Anti-Tg, khám đánh giá và chẩn đoán hình ảnh. Do đó, nếu sau khi thăm khám bằng tất cả các xét nghiệm mà bác sĩ nói với bạn rằng “âm tính” có thể đó là đánh giá bệnh đáp ứng hoàn toàn với các phương pháp điều trị. Vậy bạn cần hỏi rõ bác sĩ là xạ hình “âm tính” hay bệnh đã “âm tính”?
Khái niệm “âm tính” trong bài viết này để chỉ những trường hợp ung thư tuyến giáp đã đáp ứng hoàn toàn với các phương pháp điều trị. Nghĩa là tại thời điểm kiểm tra, bệnh nhân đã khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, khái niệm này liệu có được sử dụng trong tất cả trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến giáp? Và liệu “Âm tính” có đồng nghĩa với việc khỏi bệnh hoàn toàn hay không? Bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm về khái niệm này.
Khái niệm “Âm tính” được áp dụng trong những trường hợp nào?
Khái niệm “Âm tính” được áp dụng trong những trường hợp bệnh nhân đã cắt tuyến giáp toàn bộ. Đối với trường hợp cắt tuyến giáp bảo tồn chúng ta không sử dụng khái niệm này để đánh giá khả năng đáp ứng điều trị do các chỉ số như Tg, anti-Tg, hay xạ hình toàn thân không được sử dụng để đánh giá đáp ứng.
Các chỉ số nào để xác định “Âm tính” sau điều trị ung thư tuyến giáp?
Đối với ung thư tuyến giáp, sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ có hoặc không uống Iod phóng xạ, việc theo dõi sau điều trị là hết sức quan trọng.
Việc đánh giá âm tính dựa trên:
- Thăm khám lâm sàng
- Thăm khám hình ảnh: Siêu âm, Cắt lớp vi tính, Xạ hình tuyến giáp hoặc toàn thân, PET/CT
- Xét nghiệm máu: Tg, Anti-Tg?
Chỉ số Tg, anti-Tg là gì?
* Chỉ số Tg
Tế bào tuyến giáp bình thường sản xuất ra Thyroglobulin (Tg) lưu hành trong máu, và trong cơ thể chỉ có tế bào tuyến giáp sản xuất Tg. Tế bào tuyến giáp sản xuất Tg nhiều hay ít tùy thuộc vào TSH trong máu.
- TSH tăng cao sẽ kích thích sản xuất nhiều Tg
- TSH giảm thấp sẽ ức chế sản xuất Tg
Đây là cơ sở của 2 chỉ số xét nghiệm Tg kích thích (Khi bệnh nhân dừng hormone) và Tg không kích thích (khi sử dụng hormone bình thường) trong quá trình theo dõi ung thư tuyến giáp
Sau khi điều trị ung thư tuyến giáp, giá trị Tg có xu hướng thấp dần theo thời gian có ý nghĩa đáp ứng điều trị tốt. Nếu giá trị Tg còn cao hay tăng dần theo thời gian thì cần kiểm tra kỹ hơn xem có tái phát hay không.
* Chỉ số Anti-Tg
Ở 15 – 20% số bệnh nhân ung thư tuyến giáp có khả năng hệ miễn dịch tự sản xuất tự kháng thể kháng Tg, gọi là Anti-Tg. Kháng thể Anti-Tg làm sai lệch giá trị thật của Tg. Vì thế, xét nghiệm Anti-Tg thường được chỉ định cùng xét nghiệm Tg để tìm ra giá trị thật sự của Tg.
Ở những bệnh nhân đáp ứng hoàn toàn điều trị, giá trị Tg thường biến mất sau khoảng 3 năm. Sự tăng cao chỉ số anti-Tg cũng gợi ý trường hợp tái phát.
Xác định “âm tính” sau cắt tuyến giáp toàn bộ?
Theo Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ, sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp toàn bộ có hoặc không uống Iod 131, bệnh nhân được chia thành 4 mức độ đáp ứng: đáp ứng hoàn toàn, đáp ứng không hoàn toàn về mặt sinh hóa, đáp ứng không hoàn toàn về mặt cấu trúc, đáp ứng trung gian.
Theo đó, âm tính được hiểu là “Đáp ứng hoàn toàn” được định nghĩa
- Hình ảnh học âm tính và
- Tg ức chế <0,2 ng/mL hoặc Tg kích thích <1 ng/mL, kèm theo Anti–Tg âm tính.
Thời điểm nào sẽ làm xét nghiệm chỉ số Tg, anti – Tg?
Theo hướng dẫn của NCCN, thời điểm kiểm tra Tg, anti–Tg là sau 6-12 tuần sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp để xác định đáp ứng điều trị và đánh giá nguy cơ tái phát. Sau đó sẽ theo dõi mỗi 3-6 tháng tùy vào kết quả thăm khám.
“Âm tính” có đồng nghĩa với khỏi bệnh hoàn toàn?
Tái phát là một trong những đặc tính của bệnh lý ung thư. Mặc dù đạt “âm tính” sau điều trị vẫn có khoảng 1-4% bệnh nhân có khả năng tái phát sau khi điều trị. Do đó, đánh giá nguy cơ tái phát trong ung thư tuyến giáp cần được lặp lại sau mỗi lần thăm khám để có hướng xử trí phù hợp.
NGUỒN: NCCN 2022 và Khuyến cáo điều trị ung thư tuyến giáp ATA 2015