Thời điểm mang thai sau điều trị ung thư tuyến giáp

PGS. BS. Nguyễn Xuân HậuThs. BS. Nguyễn Xuân Hiền

Untitled 1Ung thư tuyến giáp là ung thư phổ biến nhất của hệ nội tiết, chiếm hơn 90%. Nữ giới mắc bệnh chủ yếu, đặc biệt độ tuổi 30 – 40 cũng là nhóm đối tượng hay mắc bệnh. Đây là nhóm tuổi đang trong thời kỳ sinh đẻ do đó việc điều trị ung thư tuyến giáp cũng hay được các bệnh nhân quan tâm:

  1. Liệu rằng điều trị ung thư tuyến giáp có ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản hay không?
  2. Thời gian tối ưu để mang thai sau điều trị là khi nào?

Bài viết sẽ giúp các bạn giải đáp một số thông tin liên quan đến vấn đề sinh đẻ ở phụ nữ sau điều trị ung thư tuyến giáp.

Một số khái niệm về điều trị ung thư tuyến giáp

  • Phẫu thuật cắt tuyến giáp bảo tồn, tức là chỉ cắt thùy ung thư và eo tuyến giáp, giữ lại thùy bên đối diện.
  • Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, tức là cắt cả 2 thùy tuyến giáp.
  • Điều trị Hormone tuyến giáp bổ sung trong trường hợp tuyến giáp bị cắt toàn bộ hoặc thùy tuyến giáp giữ lại sau phẫu thuật bảo tồn không đủ chức năng.
  • Điều trị Iod 131 chỉ áp dụng ở những bệnh nhân đã phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cắt tuyến giáp toàn bộ cũng cần được điều trị Iod 131.

Sau mổ ung thư tuyến giáp có ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản hay không?

Ở khía cạnh về phẫu thuật tuyến giáp, suy giáp sau phẫu thuật có thể xảy ra ở cả bệnh nhân cắt một phần hay toàn bộ tuyến giáp. Điều này làm giảm hoạt động của tuyến sinh dục. Thêm vào đó, tình trạng suy giáp dẫn đến sự gia tăng nồng độ hormon TSH  trong máu dẫn tới tăng tần suất cũng như số ngày kinh nguyệt, làm giảm khả năng rụng trứng.

Theo hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ, ở những phụ nữ suy giáp được điều trị LT4 đang lên kế hoạch có thai. Nồng độ TSH nên được đánh giá trước khi mang thai, liều LT4 bổ trợ nhằm đạt được mục tiêu nồng độ TSH trong khoảng từ giới hạn dưới của khoảng tham chiếu tới dưới 2,5 mU/l. Tuy nhiên, sau mổ bệnh nhân sẽ được bổ sung hormone tuyến giáp thay thế với liều lượng được điều chỉnh đề phù hợp với từng người.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bản thân phẫu thuật cắt tuyến giáp không làm ảnh hưởng đến khả năng thụ thai khi bệnh nhân được điều trị hormone bổ sung một cách đúng đắn, và bệnh nhân có thể mang thai ngay sau khi các xét nghiệm hormone tuyến giáp ở mức cho phép. Tuy nhiên trong quá trình mang thai, nhu cầu về hormone tuyến giáp sẽ tăng cao do trong 3 tháng đầu thai nhi sẽ chủ yếu sử dụng hormone tuyến giáp của mẹ. Hormone tuyến giáp của người mẹ trong thời điểm này kích thích sự phát triển toàn diện của hệ thần kinh bào thai và thiếu hormone có thể dẫn đến tình trạng kém phát triển trí tuệ của trẻ sau này. Vì vậy cần theo dõi sát sao tình trạng hormone tuyến giáp của người mẹ trong thai kỳ, mà đặc biệt là 3 tháng đầu. Theo Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ, bệnh nhân sau cắt tuyến giáp toàn bộ hay bảo tồn đều nên được khám và xét nghiệm hormone tuyến giáp mỗi 4 tuần/1 lần từ khi có thai cho đến giữa thai kỳ, và xét nghiệm thêm 1 lần nữa vào tuần thứ 30 thai kỳ để bổ sung hormone tuyến giáp nếu nồng độ dưới ngưỡng.

Tại khoa UB & CSGN, bệnh viện ĐHY Hà Nội, các bệnh nhân cắt toàn bộ tuyến giáp khi ra viện sẽ được kê đơn thuốc hormone thay thế, và sau mổ 1 tháng, bệnh nhân tái khám sẽ được làm các xét nghiệm để chỉnh liều hormone phù hợp.

Tóm tắt:

  • Phẫu thuật tuyến giáp không làm giảm khả năng thụ thai cũng như không làm tăng nguy cơ sảy thai
  • Điều chỉnh hormon tuyến giáp trước và trong thai kỳ đảm bảo thai kỳ phát triển khoẻ mạnh.

Điều trị Iod 131 và các vấn đề sinh sản?

Ở khía cạnh ảnh hưởng của điều trị iod 131 lên khả năng có thai: Iod phóng xạ là dược chất có hiệu quả trong điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hoá, đặc biệt là các trường hợp u xâm lấn, di căn nhiều hạch…

Tuy nhiên, iod phóng xạ cũng có những tác dụng nhất định lên buồng trứng của các phụ nữ trẻ tuổi, một số tác dụng phụ hay gặp như:

  • Kinh nguyệt thưa
  • Vô kinh
  • Mãn kinh sớm

Một lưu ý: Phơi nhiễm phóng xạ dù ít nhiều cũng là yếu tố nguy cơ của đột biến gen gây dị tật thai nhi. Do vậy, thời gian mang thai sau điều trị iod phóng xạ cũng đặc biệt cần được lưu tâm, bên cạnh việc bổ sung đầy đủ hormon tuyến giáp.

Theo khuyến cáo điều trị của Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ năm 2017, các bệnh nhân nữ chỉ nên có thai ít nhất sau 6 tháng điều trị Iod 131 để giảm các nguy cơ thai kỳ, và trong 6 tháng này bệnh nhân nên tích cực dùng các phương tiện tránh thai.

Trong một nghiên cứu trên 111.459 bệnh nhân nữ bị ung thư tuyến giáp tại Hàn Quốc, tác giả nghiên cứu này đã đưa ra kết luận đồng thuận với Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ: Mang thai quá sớm sau điều trị Iod 131 (dưới 6 tháng) làm tăng nguy cơ sảy thai và dị tật thai nhi, tuy nhiên có thai ít nhất sau 6 tháng điều trị không làm tăng các nguy cơ lên thai kỳ khi so sánh với các bệnh nhân chỉ cắt tuyến giáp đơn thuần.

Tóm tắt: Bệnh nhân nữ điều trị Iod 131 sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ nếu có ý định sinh em bé, chỉ nên mang thai sau khi điều trị ít nhất 6 tháng, đồng thời cũng phải đạt được các tiêu chí về hormone tuyến giáp như đã đề cập phía trên cùng với một chế độ theo dõi sức khỏe thai nhi chặt chẽ.

Như vậy, phẫu thuật cắt tuyến giáp hay điều trị Iod 131 không làm ảnh hưởng đến khả năng có em bé cũng như khả năng có 1 thai kỳ khỏe mạnh nếu như bệnh nhân tuân thủ theo lời khuyên mà bác sĩ đề ra.

Trích dẫn:

  1. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35724833/
  2. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31633736/
  3. https://www.liebertpub.com/doi/10.1089/thy.2016.0457

 

Để lại bình luận