Chế độ ăn tăng cường iod cho người bệnh viêm giáp Hashimoto liệu có cần thiết?

PGS. TS. BS. Nguyễn Xuân HậuThs. BS. Nguyễn Xuân Hiền

Như chúng ta đã biết, Iod vô cùng quang trọng trong hoạt động của tuyến giáp. Nó là nguyên liệu để sản xuất hormon tuyến giáp bao gồm thyroxine (T4) và Triodothyronine (T3). Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, những bệnh nhân viêm tuyến giáp Hashimoto – tiến triển lâu dài gây suy giáp nên bổ sung càng nhiều iod càng tốt trong khẩu phần ăn hằng ngày. Vậy, thực hư quan điểm này thế nào? Hãy cũng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto là gì?

Bệnh Hashimoto xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn, tấn công vào các tế bào mô tuyến giáp, dẫn đến tình trạng viêm mạn tính và tổn thương các tế bào nang tuyến giáp. Điều này dẫn đến việc giảm sản xuất hormone tuyến giáp, lâu dài gây ra tình trạng suy giáp. Các triệu chứng thường gặp của bệnh Hashimoto bao gồm mệt mỏi, tăng cân, nhạy cảm với lạnh, khô da và trầm cảm.

Đọc thêm bài: Viêm tuyến giáp Hashimoto

Vai trò của Iod đối với tuyến giáp

Từ lâu chúng ta đã biết Iốt là một yếu tố vi lượng thiết yếu cần thiết cho tuyến giáp để tổng hợp hormone tuyến giáp. Tuyến giáp tích cực hấp thu iod từ máu và sử dụng nó để tạo ra T4 và T3. Những hormone này sau đó được giải phóng vào máu, nơi chúng tác động lên các mô và cơ quan khác nhau. Chế độ ăn thiếu hay quá thừa Iod đều có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, và gia tăng nguy cơ các bệnh lý tuyến giáp.

Sự tác động qua lại giữa Iod và viêm tuyến giáp Hashimoto

Mối quan hệ giữa iod và bệnh Hashimoto rất phức tạp và thường dễ bị hiểu lầm. Mặc dù iod rất quan trọng đối với chức năng tuyến giáp nói chung, tuy nhiên đối với bệnh nhân viêm tuyến giáp Hashimoto, cả chế độ ăn thiếu và thừa iod đều có thể gây ra những thách thức cho bệnh nhân và bác sĩ điều trị.  

  1. Chế độ ăn thiếu Iod: Ở những vùng thường xuyên thiếu iod, hoặc người có chế độ ăn thiếu iod kéo dài, các tế bào nang tuyến giáp có xu hướng to ra để cố gắng thu giữ nhiều iod hơn, dẫn đến tình trạng phì đại tuyến giáp, hay còn được gọi là bướu cổ. Có một điều thú vị là, một vài nghiên cứu đã chỉ ra sự thiếu hụt iod ban đầu có thể có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến giáp tự miễn trên một số nhóm đối tượng dân số, đặc biệt những người có nguy cơ cao mắc bệnh Hashimoto về mặt di truyền. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân đã chẩn đoán mắc bệnh viêm tuyến giáp tự miễn, việc duy trì một chế độ ăn thiếu Iod sẽ góp phần làm trầm trọng các triệu chứng suy giáp.
  2. Chế độ ăn quá giàu Iod: Mặt khác, khi cơ thể người bệnh hấp thụ quá nhiều iod, đặc biệt là thông qua các chất bổ sung, có thể gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh Hashimoto. Có nhiều giả thiết cho phản ứng nghịch lý này như: Iod quá dư thừa có thể gây độc trực tiếp đến các tế bào tuyến giáp, dẫn đến tăng tình trạng viêm và tăng nguy cơ bị các tế bào miễn dịch tấn công, lượng iod quá nhiều cũng có thể tạo các gốc tự do, gây tổn thương đến mô tuyến giáp, và yếu tố gây khởi phát hoặc trầm trọng thêm các bệnh lý tự miễn tuyến giáp. Vì vậy, đối với bệnh nhân viêm tuyến giáp tự miễn, các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân tránh các thực phẩm, chế độ ăn quá giàu Iod. 

Chìa khóa chính là sự cân bằng

Chính vì vậy, đối với những người mắc bệnh Hashimoto, việc cân bằng lượng iod hấp thụ là điều cần thiết, mặc dù có vẻ tương đối khó khăn. Theo khuyến cáo của viện dinh dưỡng quốc gia Hoa Kỳ, đối với người trưởng thành, lượng iod khuyến nghị là 150mcg/ngày, với phụ nữ có thai và cho con bú, nhu cầu có thể cao hơn từ 220-290mcg/ngày. Lượng iod tối đa không gây hại đối với người trưởng thành là 1100mcg/ngày, đối với bệnh nhân viêm tuyến giáp Hashimoto là dưới 400mcg/ngày. Theo một số nghiên cứu, lượng idod hàng ngày tối ưu ở người viêm tuyến giáp Hashimoto là từ 50-100mcg, tuy nhiên điều quan trọng nhất cần lưu ý là mỗi bệnh nhân có một ngưỡng nhu cầu khác nhau, vì vậy dưới đây là một số lời khuyên chúng tôi dành cho bạn:

  1. Tham khảo ý kiến của các bác sĩ: Nếu bạn là một bệnh nhân viêm tuyến giáp Hashimoto, điều quan trọng luôn cần phải lưu ý đó là mỗi bệnh nhân có một nhu cầu Iốt khác nhau, tình trạng bệnh và phản ứng của cơ thể khác nhau. Vì vậy bạn cần phải hợp tác chặt chẽ với bác sĩ nội tiết hoặc các bác sĩ chuyên về bệnh tuyến giáp. Họ có thể giúp bạn xác định nhu cầu iốt dựa trên tình hình cá nhân của bạn.
  2. Sử dụng Iod trong chế độ ăn uống: Tiêu thụ iod từ nguồn thực phẩm tự nhiên nói chung là an toàn. Hải sản, các sản phẩm từ sữa, muối iod và một số loại trái cây và rau quả là những nguồn thực phẩm tốt. Tuy nhiên, tránh tiêu thụ quá mức và nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn không chắc chắn về lượng tiêu thụ của mình.
  3. Thận trọng với các thực phẩm chức năng hoặc thuốc bổ sung Iod: Không nên dùng thuốc bổ sung iod hoặc các thực phẩm chức năng bổ sung Iod nếu không có chỉ định từ các bác sĩ chuyên khoa. Tùy từng trường hợp, các bác sĩ có thể đánh giá liệu việc bổ sung iod có phù hợp với bạn hay không và đề xuất liều lượng an toàn nếu cần.
  4. Theo dõi chức năng tuyến giáp thường xuyên: Các xét nghiệm chức năng tuyến giáp thường xuyên, bao gồm mức TSH, T4 và T3, rất quan trọng để đánh giá hiệu quả điều trị của bạn và điều chỉnh lượng iốt hấp thụ nếu cần thiết. Vì vậy bệnh nhân cần tái khám định kỳ theo hẹn để các bác sĩ có thể đưa ra những điều chỉnh chính xác và kịp thời nhất.

Kết luận: Cá nhân hóa điều trị để có sức khỏe tuyến giáp tối ưu

Tóm lại, iod và bệnh Hashimoto có một mối quan hệ phức tạp. Mặc dù iốt cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp nhưng tác động của nó đối với bệnh Hashimoto khác nhau tùy thuộc vào tình trạng iốt và phản ứng miễn dịch của từng bệnh nhân. Bạn hãy luôn nhớ rằng hợp tác với các bác sĩ có chuyên môn chính là chìa khóa vàng để đảm bảo chế độ ăn chứa hàm lượng Iốt phù hợp, một chế độ chăm sóc sức khỏe tuyến giáp tối ưu và quản lý bệnh Hashimoto một cách hiệu quả nhất.

Reference:
Cleveland Clinic – Hashimoto’s Disease: What It Is, Symptoms & Treatment

Cleveland Clinic – Endocrinologist: What Is It & What Do They Do

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9101474/

 

Để lại bình luận